Sự kiện

Bình Dương: Công bố thông tin về 4 trường hợp tử vong do Covid-19

Sau nhiều ngày điều trị, 4 ca nhiễm Covid-19 đã không qua khỏi vì suy hô hấp nặng, viêm phổi, hội chứng suy giảm miễn dịch.

Tối ngày 20/7, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã thông báo về 4 trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 tử vong.

Trường hợp 1: Bệnh nhân nam, sinh năm 1973, tử vong lúc 14h00 ngày 19/7/2021 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chẩn đoán suy hô hấp nặng/Viêm phổi nặng/Hội chứng suy giảm miễn dịch + SARS-CoV-2.

Trường hợp 2: Bệnh nhân nữ, sinh năm 1971, tử vong lúc 14h00 ngày 19/7/2021 tại Trung tâm Y tế Thuận An. Chẩn đoán suy hô hấp nặng/Viêm phổi nặng/SARS-CoV-2.

Trường hợp 3: Bệnh nhân nam, sinh năm 1990, tử vong lúc 00h30 ngày 19/7/2021 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chẩn đoán choáng nhiễm trùng + Viêm phổi nặng biến chứng ARDS/Theo dõi nhiễm SARS-CoV-2.

Trường hợp 4: Bệnh nhân nam, sinh năm 1963, tử vong lúc 10h15 ngày 20/7/2021 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chẩn đoán suy hô hấp/Viêm phổi nặng + Theo dõi nhiễm Covid-19/COPD + Tăng huyết áp.

Tỉnh Bình Dương đang mở thêm nhiều bệnh viện dã chiến, để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Theo ngành y tế tỉnh Bình Dương, hiện tại tỉnh này có 11 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh với hơn 3.000 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 43 phụ nữ mang thai, 29 người trên 65 tuổi, 84 người có bệnh lý nền, 85 người có diễn biến nặng. Lũy kế có 300 bệnh nhân khỏi bệnh, 12 bệnh nhân tử vong.

Kết quả truy vết tại tất cả các ổ dịch ghi nhận khoảng 12.833 trường hợp F1, 33.723 trường hợp F2. Tổng số trường hợp hiện đang còn cách ly y tế tập trung là 12.281 trường hợp. Tổng số trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú 25.279 trường hợp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Bình Dương) khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang đúng cách theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể:  Khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương dùng cho kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp để khám, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19.

Khẩu trang y tế dùng khi làm việc trong môi trường y tế hoặc khu vực có khả năng lây nhiễm và tiếp xúc với yếu tố nguy cơ cao. Khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn (gọi tắt là khẩu trang 870) dùng cho cán bộ y tế làm việc ở những nơi ít có nguy cơ hơn, người tham gia phòng chống dịch, người bệnh trong cơ sở điều trị bệnh không lây nhiễm, người phục vụ ở các khu vực công cộng như lễ tân, bãi xe, cảng biên phòng, cửa khẩu, cảng hàng không,...

Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 70% nồng độ cồn, mặc quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Không bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2 m. Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã. Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

Ngành y tế khuyến cáo người dân phải tuân thủ thông điệp 5K và giữ khoảng cách và chuẩn bị thêm cho bản thân nhiều biện pháp khác như kính chống giọt bắn, khẩu trang.

Người lao động đi công tác tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của địa phương nơi đến công tác hướng dẫn. Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở,... hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo ngay cho người quản lý nơi mình đang đến công tác để được xử trí kịp thời. Sau khi đi công tác từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trở về, người lao động tự theo dõi các triệu chứng sức khỏe trong vòng 14 ngày. Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở,  mất vị giác,... liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện phòng chống dịch bệnh theo quy định.