Dân sinh

Bình Định: Hàng nghìn người dân Quy Hòa chật vật vì chưa có nước sạch

Hơn 10 năm nay, hơn 2 ngàn người dân sống tại TP.Quy Nhơn đang hàng ngày sống với cảnh “khát” nước trầm trọng. Để có nước sinh hoạt, người dân nơi đây phải tìm đủ mọi cách như: khoan giếng, mua nước,…

Khoan giếng tìm nước cứu thân…

Những ngày tháng Sáu, PV báo điện từ Người Đưa Tin đã ghé đến khu dân cư Quy Hòa thuộc khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để ghi nhận thực tế về cuộc sống “thiếu” nước sinh hoạt từ nhiều năm nay.

Theo người dân ở đây cho hay, khu dân cư Quy Hòa chỉ cách trung tâm TP.Quy Nhơn khoảng 2 km, nhưng vì địa hình phải đi qua đèo và ngang Quốc lộ 1D, nên từ hơn 10 năm nay khu dân cư này chưa có nước sạch để sử dụng.

Để có nước sinh hoạt hằng ngày, người dân tại khu dân cư Quy Hòa phải dùng đủ mọi vật dụng để chứa nước giếng rồi lóng phèn mới có thể sử dụng. (Ảnh: Duy Quan).

Không chỉ có người dân thiếu nước sạch sinh hoạt mà các trường học, bệnh viện, nhà thờ ở đây cũng trong tình cảnh tương tự. Lâu nay, bà con ở Quy Hòa phải bỏ tiền túi để đào giếng tìm nước ngầm để tự cứu thân.

Ông Trần Văn Anh (62 tuổi) thành viên ban Hội đồng bệnh nhân phong Quy Hòa cho hay: “Gia đình tôi ở đây đã gần 30 năm, những năm qua, gia đình tôi sống dựa vào nguồn nước giếng khoan từ bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Riêng, nước uống để đảm bảo vệ sinh gia đình tôi phải đi mua nước bình tại các tạp hóa về để sử dụng. Một số gia đình có điều kiện thì mua máy lọc để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày”.

Các chai nhựa cũng được tận dụng để chứa nước giếng lóng phèn để sử dụng. (Ảnh: Duy Quan).

Ngoài ra, ông Anh cho biết thêm, hiện tại có 420 bệnh nhân phong/1.200 nhân khẩu, đang sử dụng nước giếng khoan từ bệnh viện.

Theo tìm hiểu của PV, hiện trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) nằm trung khu vực Quy Hòa cũng chưa có nước sạch sinh hoạt. Trung tâm cũng sử dụng nước giếng khoan thông qua một hệ thống xử lý để sử dụng.

Người dân nơi đây chia sẻ, vào mùa khô nguồn nước ngầm từ các giếng khoan đào bằng tay chảy ra rất ít và khan hiếm. Để ứng phó tạm thời với thời tiết khắc nghiệt, bà con phải tiết kiệm, chắt chiu từng giọt nước đựng chứa trong thùng để sử dụng qua ngày.

Tự sáng chế thiết bị lọc nước nhiễm phèn “cầm hơi”…

Qua nhiều năm sử dụng, hều hết các giếng đào bằng tay hoặc khoan bằng máy của bà con nơi đây đây đều bị nhiễm phèn và ô nhiễm, để “cầm hơi” qua ngày, hàng ngàn hộ dân ở đây phải đành “sống tạm” với nguồn nước kém vệ sinh.

Được sự giới thiệu của người dân, PV tìm đế nhà gia đình ông Võ Lánh, 61 tuổi, ngụ khu dân cư Quy Hòa. Lâu nay, gia đình ông Lánh đã tự chế ra công cụ lọc nước nhiễm phèn để sử dụng hằng ngày.

Nước giếng khoan bị nhiễm phèn có vàng đục (Ảnh: Duy Quan)

Thiết bị lọc nước tự chế của ông Lánh gồm 2 cái lu đất; một cái lu đặt trên cao, bên trong chứa đầy sỏi pha cát và đá, sau khi đổ nước vào lọc, nước sẽ chảy xuống cái lu sạch bên dưới. Cứ 1 tuần ông phải thay lu lọc nước một lần, thế nhưng cách này vẫn không thể cho nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh.

Ông Lánh buồn bã nói: “Các giếng khoan ở đây mỗi khi bơm lên bị nhiễm phèn nên có màu vàng đục đóng màng như mỡ, mùi rất tanh. Sau khi lọc thì nước có trong hơn, nhưng để khoảng 15 phút lại bắt đầu chuyển màu vàng. Nước nhiễm phèn nặng nếu sử dụng nước một thời gian dài, không biết bao nhiêu căn bệnh xuất hiện trong cơ thể nữa”.

Trao đổi với PV, ông Trần Quý Lành, Tổ trưởng khu vực 2 cho biết: “Lâu nay giếng của bà con ở đây đã bị nhiễm phèn dường như là gần hết. Thậm chí, gia đình tôi cũng mới đào một cái bằng tay. Nhưng chưa bao lâu, nước đã bị nhiễm phèn và chuyển sang màu vàng”.

Theo nhiều người dân cho hay, hiện đầu khu dân cư Quy Hòa có 2 nghĩa trang, với hàng trăm ngôi mộ; cũng như người dân còn tự tay chôn rác trong lòng đất nên nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. "Chúng tôi cũng là những công dân của TP.Quy Nhơn mà bao năm nay không có nguồn nước sạch để dùng?", người dân bức xúc nói.

“Dài cổ” chờ nước sạch sinh hoạt!

Đã nhiều năm nay trôi qua, tại các cuộc tiếp xúc Hội đồng nhân dân 2 cấp tỉnh và thành phố, cử tri khu vực 2, khu dân cư Quy Hòa đã liên tục phản ánh nguyện vọng được dùng nước sạch. Nhưng, đến nay các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn chưa giải quyết được nguyện vọng của bà con nhân dân.

Nước giếng nhà ông Lánh đã bị nhiễm phèn nặng, nước có màu vàng cam, bốc mùi tanh. (Ảnh: Duy Quan).

Ông Phan Văn Sơn, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc khu vực 2, phường Ghềnh Ráng cho biết: “Người dân đã dùng các cách từ thủ công đến mua máy lọc nước nhưng không thể đảm bảo nước hợp vệ sinh. Hiện nay, toàn khu vực có trên 2.000 nhân khẩu/620 hộ, đều sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan và đào tay, các nguồn này không đảm bảo được vệ sinh. Người dân mong muốn, tỉnh sớm đầu tư trạm bơm đưa đường ống dẫn nước sạch sinh hoạt về khu dân cư Quy Hòa”.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: “Hiện, công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định đang lập dự án và triển khai xây dựng trạm điều áp nước ngay dốc đèo Quy Hòa ngang qua Quốc lộ 1D. Dự kiến trong quý III năm 2019, nước sạch sẽ về với người dân khu vực 2, phường Ghềnh Ráng”.

Để khách quan hơn, PV cũng liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định. Ông Châu cho hay: “Trong tháng 7/2019, đơn vị sẽ bắt đầu sẽ triển khai thi công xây dựng trạm điều áp tại chân núi Xuân - ngã ba Quốc lộ 1D và đường vào trại phong Quy Hòa, trong đó xây dựng bể chứa nước sạch dung tích 400m3, với công suất 95m3/h; đồng thời, đẩy nhanh thi công xây dựng trạm bơm tăng áp”.

“Công tình dự kiến vào tháng 4/2020 sẽ hoàn thành và cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân sinh sống tại khu vực 2, phường Ghềnh Ráng”, ông Nguyễn Văn Châu khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Châu còn cho biết thêm, dự án đến nay mới được triển khai vì tuyến đường ống cấp thoát nước nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ (khoảng cách 2 m), nên đơn vị phải khảo sát địa hình và xin ý kiến của cục Quản lý đường bộ 3, thuộc Tổng cục đường bộ (Bộ GTVT).

Cuối năm 2017, đơn vị đã được cục Quản lý đường bộ 3 chấp thuận hướng tuyến và cấp giấy phép thi công. Ngoài ra, do địa hình của khu vực 2, phường Ghềnh Ráng phức tạp, phải qua đèo dốc nên cần tính toán rất kỹ về cao trình kể cả áp lực nước cho đảm bảo.