Sự kiện

Biểu hiện bệnh ngày càng nhẹ: Covid - 19 không còn nguy hiểm?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, không thể thấy nhiều người mắc Covid - 19 có biểu hiện bệnh nhẹ mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM xung quanh ý nghĩa của vắc-xin phòng Covid-19, cũng như một số thắc mắc vì sao tỉ lệ biểu hiện bệnh nhẹ ngày càng gia tăng mà chúng ta không chọn phương án miễn dịch cộng đồng tự nhiên?

PV: Chào bác sĩ, xin ông cho biết về hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Hiện nay, trên thế giới thi thoảng có những trường hợp tiêm vắc-xin xong vẫn mắc bệnh. Ông nhìn nhận như thế nào dưới góc độ chuyên môn?

BS. Trương Hữu Khanh: Về hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chúng ta đã nói rất nhiều, tôi chỉ nhấn mạnh rằng khi có vắc-xin và mình đủ tiêu chuẩn để tiêm thì hãy tiêm.

Đại dịch sẽ biến mất theo cách nó không còn nguy hiểm với con người và không ảnh hưởng đến kinh tế. Đừng hy vọng biến mất hoàn toàn, mà cần đợi nó sẽ lây theo cách của những bệnh thông thường. Chỉ có vắc-xin cộng với 5K, có thể cộng với miễn dịch cộng đồng tự nhiên ở nhóm khỏe mạnh, thì mới có thể hồi phục kinh tế.

Từ trước đến nay, không có vắc-xin nào tạo miễn dịch 100% và ngay lập tức, vì còn phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của mỗi người.

Giá trị chính của vắc-xin là tạo ra hàng rào miễn dịch cộng đồng. Nếu ai cũng tiêm chủng, ai cũng có miễn dịch 70%. Như vậy, mầm bệnh xâm nhập vào cộng đồng sẽ nhanh chóng bị ngăn chặn vì khó lây; có chăng cũng chỉ một vài ca lẻ tẻ không sao hết.

Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, nên khi đạt được miễn dịch khoảng 70%, độ phủ miễn dịch cộng đồng từ 70% trở lên thì tình hình kinh tế có thể dần hồi phục.

Bác sí Trương Hữu Khanh chia sẻ với PV. 

PV: Nếu đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, có đủ vắc-xin, người dân không có tâm lý e ngại và hoang mang thì chúng ta có phải là không ngại gì covid?

BS. Trương Hữu Khanh: Khi chúng ta thực hiện tiêm chủng tốt thì chắc chắn sẽ trở lại trạng thái bình thường, các nước trên thế giới cũng đều như vậy. Vấn đề nữa, có tiêm nhắc lại sau hai mũi hay không thì chưa thấy bàn đến, nhưng nếu tiêm chủng đủ thì sẽ đạt khoảng 70% miễn dịch cộng đồng, đồng thời tiêm đủ nhóm nguy cơ và nhóm dễ lây cho người khác thì sẽ ổn thôi.

Khi đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì hãy tiêm chủng phòng Covid-19. 

PV: Số liệu từ bộ Y tế tháng 5/2021 cho thấy kể cả khi đã dương tính và được gọi là bệnh nhân thì đến 95% (đợt 4) là không có biểu hiện gì hoặc biểu hiện nhẹ. Có ý kiến cho rằng bệnh đang ngày càng nhẹ đi, tỉ lệ người bệnh không triệu chứng ngày càng nhiều. Vậy, tại sao không để miễn dịch tự nhiên?

BS. Trương Hữu Khanh: Tỉ lệ bệnh nhẹ nhiều, nhưng tổng số ca bệnh quá nhiều trong cộng đồng sẽ gây ra quá tải cho hệ thống y tế. Tôi lấy ví dụ có 10 người bệnh và có 100 người chữa bệnh sẽ chữa được. Còn 1.000 người bệnh mà chỉ có 100 người chữa bệnh thì như vậy sẽ gây ra quá tải. Khi đó, người bệnh nặng không tự chăm sóc được đầy đủ dễ dẫn đến tử vong. Người chỉ hơi hơi nặng, đáng lý khỏi bệnh nếu được điều trị thì cũng có thể tử vong khi không được chăm sóc đầy đủ. Nên theo tôi, không thể để miễn dịch cộng đồng tự nhiên, bởi phương pháp này các nước trên thế giới năm ngoái đã thử và trả giá bằng cái chết hàng loạt.

Liên quan đến việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, vừa qua có nhiều địa phương làm quá, có nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn “sợ nên làm quá, siết chặt” để dân không dám về quê. Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng vấn đề ở đây là kiểm soát người đi ra, họ sẽ đi đâu? Quan trọng là người đi ra khỏi khu vực kiểm soát phải trung thực khai báo y tế. Bên cạnh đó, theo bác sĩ Khanh chúng ta không nên cách ly, phong toả bi quan theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” mà chỉ nên giãn cách tuỳ mức độ.

PV: Mới đây, có ý kiến đang gây tranh cãi rằng: “Hơn một năm qua, ta đạt con số tử vong do covid là 62 người. Cùng thời gian này, số người chết vì tai nạn giao thông là 6.700 người (đó là đã giảm bớt nhờ covid cấm đi lại). Như thế, bệnh này không đáng sợ bằng TNGT”. Bác sĩ nghĩ sao về điều này?

BS. Trương Hữu Khanh: Không thể so sánh giữa dịch bệnh Covid-19 với tai nạn giao thông… chúng ta phải hiểu, Covid-19 sẽ gây ra tử vong hàng loạt. Lý do Việt Nam tử vong ít, chậm là do dịch tới chậm và năng lực y tế rải ra. Còn hiện nay, bắt đầu quá tải số ca nặng, giả sử nếu để cho thoải mái thì có 100 ca nặng chữa được, còn 1.000 ca nặng thì không chữa nổi vì hệ thống y tế bị quá tải. Nên, đừng có suy nghĩ, so sánh với tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông thuộc về ý thức con người, còn lây nhiễm Covid-19 nếu chúng ta không ngăn chặn thì không thể nào giải quyết được vì tốc độ lây lan rất nhanh, giống như bệnh hô hấp. Cho nên, không thể so sánh như vậy, mà chúng ta cần phải tiếp tục giãn cách tuỳ mức độ cho tới khi nào tiêm chủng xong, thì mới hồi phục được kinh tế.

Bác sĩ Khanh cho rằng không thể so sánh giữa dịch bệnh Covid-19 với tai nạn giao thông.

PV: Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tuy nhiên việc đàm phán có được vắc-xin có phải là vấn đề khó nhất hiện nay?

BS. Trương Hữu Khanh: Vắc-xin trên thế giới hiện nay không phải là quá khan hiếm nữa, vấn đề là chúng ta tích cực tìm kiếm nguồn vắc-xin như thế nào, mở rộng tìm kiếm và mở rộng tiêm chủng nhiều hướng. Khi đã tiêm chủng xong cho các đối tượng nguy cơ thì mở dịch vụ để người dân có nhiều lựa chọn để tiêm, khi đó độ phủ tiêm chủng vắc-xin sẽ tăng lên.

Nếu có đủ vắc-xin là chúng ta đạt được bao phủ vắc-xin trong cộng đồng, bởi mạng lưới tiêm chủng của chúng ta rất mạnh. Mới đây, bộ Y tế, sở y tế các tỉnh cũng đã chuẩn bị đào tạo thêm đội ngũ tham gia công tác tiêm chủng. Có vắc-xin thì chúng ta đẩy nhanh tiêm càng sớm càng tốt.

Khi có vắc-xin thì đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng càng sớm càng tốt. 

PV: Xin cảm ơn ý kiến của bác sĩ!

Tuỳ tình hình dịch ở từng địa phương mà có biện pháp chống dịch khác nhau

Cũng trả lời về việc kiểm soát đi lại của người dân ở vùng có dịch, một đại diện bộ Y tế thông tin, việc đi lại ở các địa phương là do các địa phương quyết định, toàn quyền áp dụng các biện pháp chống dịch như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 19 của Chính phủ, hoặc phong toả đến đâu thì sẽ dựa trên tình hình thực tế về các biện pháp chống dịch, Thủ tướng cũng đã giao cho các địa phương. Bộ Y tế không có hướng dẫn về vùng có dịch, mà chỉ tư vấn và không thể quyết định thay các địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế tình hình dịch ở từng địa phương, từng tỉnh mà sẽ có các biện pháp chống dịch khác nhau.

Vẫn phải có những biện pháp quyết liệt về cách ly, bao vây, dập tắt ổ dịch

Trước ý kiến so sánh về số ca tử vong do covid và số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta thời gian qua, một bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực truyền nhiễm đã bày tỏ quan điểm của mình:  

"Ở nước ta tai nạn giao thông làm chết nhiều người hơn Covid-19. Chúng tôi có thể nói với bạn rằng các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khi vắc-xin chưa sẵn có ở nước ta vẫn đang rất quyết liệt ở những nơi đang là tâm dịch. Thế giới của chúng ta lại thay đổi một lần nữa. Đại dịch đang hoành hành khắp hành tinh. SARS-CoV-2 cũng có nơi tưởng như đã được kiểm soát, nhưng ở nhiều quốc gia thì không. Ở châu Âu, nơi đa số các quốc gia đều đã trải qua làn sóng thứ nhất, thứ hai và đang mở cửa biên giới trở lại nhằm cứu vãn một mùa du lịch bị tổn hại, đang tự hỏi liệu cuộc chiến này sẽ diễn ra trong bao lâu. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài chiến lược "vừa sản xuất vừa chiến đấu" từng được áp dụng trong suốt cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do vào thế kỷ trước.

Trong một thời gian dài nữa, dự phòng sẽ tiếp tục là biện pháp chính nhằm kiểm soát đại dịch. Cực chẳng đã, việc áp đặt và thực thi các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và cách ly hàng triệu người – hiện đang là một thực tế ở nhiều quốc gia. Mọi người trên khắp thế giới sẽ phải thích nghi và tạo ra lối sống phù hợp trước một sự kiện phức tạp nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.

Nhân loại đang đối mặt với một căn bệnh vẫn chưa được hiểu rõ ràng nhưng lại đe dọa nghiêm trọng và gây tử vong cho con người. Hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải. Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào được chứng minh có hiệu quả, việc phân phối vắc-xin và sự sẵn có của vắc-xin còn phải đối mặt với nhiều rào cản trong thời gian sắp tới. Những điều mà chúng tôi vừa nói là không có tiền lệ kể từ đại dịch cúm Tây Ban những năm 1918. Không thể khác được. Chúng ta vẫn phải có những biện pháp quyết liệt về cách ly, bao vây, dập tắt ổ dịch ở những nơi, những thời điểm cần thiết. Hãy nhớ: Covid-19 làm chúng ta mất tự do và hạnh phúc. Là người lạc quan, chúng tôi tin rằng đại dịch sẽ nguội dần nay mai và có thể trở thành dịch tản phát khi cả thế giới của chúng ta có miễn dịch cộng đồng", vị bác sĩ này chia sẻ.  

Thanh Lam