Sức khỏe

Biến thể phụ của Omicron không nguy hiểm hơn biến thể gốc

Theo một nghiên cứu ở Nam Phi, biến thể phụ BA.2 của Omicron không gây bệnh nặng hơn so với biến thể gốc.

Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi, những người đã phân tích dữ liệu từ một nhóm bệnh viện lớn và dịch vụ phòng thí nghiệm của chính phủ, các bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể phụ của Omicron có tỷ lệ mắc bệnh nặng và nhập viện tương tự những bệnh nhân mắc biến thể gốc. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã quan sát và nghiên cứu khoảng 100.000 bệnh nhân Covid-19.

Cụ thể, trong số 95.470 trường hợp lây nhiễm được phân tích bởi phòng thí nghiệm quốc gia, 3,6% bệnh nhân nhiễm BA.2 phải nhập viện, tỷ lệ này không quá chênh lệch so với 3,4% những người mắc biến thể Omicron gốc. Trong số 3.058 bệnh nhân nhập viện, 30,5% người mắc BA.2 phát triển bệnh nặng, ít hơn so với 33,5% bệnh nhân mắc biến thể Omicron gốc.

Sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2 của Omicron đã gây lo ngại rộng rãi vì nó được cho là có khả năng lây truyền mạnh hơn so với biến thể gốc đang "thống trị" thế giới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định, BA.2 vẫn giống như phiên bản gốc và gây triệu chứng tương đối nhẹ so với các biến thể trước đó như biến thể Delta.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/2 đánh giá dòng phụ BA.2 còn được gọi là "Omicron tàng hình" không mạnh hơn phiên bản gốc của Omicron (BA.1). Ảnh minh họa từ internet

Các nhà nghiên cứu nhận xét: "Những dữ liệu này khiến chúng tôi yên tâm hơn, cho thấy bất chấp khả năng lây lan nhanh chóng đáng ngại, các triệu chứng mà BA.2 gây ra vẫn tương tự như biến thể gốc".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo, Nam Phi có thể khác với các khu vực khác vì hầu hết khả năng miễn dịch ở nước này là do miễn dịch sau khi mắc Covid-19 chứ không phải do tiêm chủng. Theo Bloomberg, khoảng 80% dân số Nam Phi được cho là đã mắc Covid-19, trong khi chỉ mới 29% dân số tại đây được tiêm phòng đầy đủ và 1,3% đã tiêm các mũi nhắc lại. Trong khi đó, khoảng 72% dân số Liên minh châu Âu (EU) và 63% ở Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, lần lượt 47% và 27% đã được tiêm mũi tăng cường.

Nghiên cứu phân tích tình hình trong lúc biến thể BA.2 đang lây lan nhanh chóng ở Nam Phi. Vào cuối tháng 1 vừa qua, 80% trường hợp lây nhiễm tại Nam Phi là do biến thể phụ BA.2, tăng so với tỷ lệ chỉ 5% vào đầu tháng 12/2021.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/2 đánh giá dòng phụ BA.2 còn được gọi là "Omicron tàng hình" không mạnh hơn phiên bản gốc của Omicron (BA.1).

Bà Maria Van Kerkhove, quan chức đứng đầu nhóm phụ trách kỹ thuật của WHO, cho biết dựa trên các mẫu của những người từ nhiều quốc gia khác nhau, các chuyên gia của WHO nhận thấy "không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh nghiêm trọng giữa biến thể BA.1 và BA.2, do đó có thể nói khả năng gây bệnh nặng và nguy cơ nhập viện giữa hai phiên bản này là tương tự nhau."

Bà Van Kerkhove nhấn mạnh đánh giá này thực sự quan trọng vì tại nhiều quốc gia, số ca nhiễm BA.1 và BA.2 đều đã tăng lên đáng kể. Đây là kết quả đánh giá của một ủy ban chuyên gia phụ trách giám sát sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.

Kết luận trên của các chuyên gia WHO được cho là có tác dụng trấn an đối với các nước như Đan Mạch, nơi phiên bản BA.2 của biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.

Minh Hạnh (T/h)