Sức khỏe

Biến thể BA.5 xâm nhập Việt Nam, kịch bản chống dịch có gì mới?

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, nhất là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại để có thể tăng cường miễn dịch.

Biến thể phụ BA.4, BA.5 đã xâm nhập vào nước ta

Theo Bộ Y tế, hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.

Tại Việt Nam, đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 trong cộng đồng, dự báo ca Covid-19 có thể gia tăng, tuy nhiên nhiều người dân sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 (3 ca) và BA.5 (4 ca) của biến thể Omicron tại Tp.Hà Nội, Tp.HCM và Cần Thơ. Bộ Y tế đã tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức điều tra và giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 cũng như các biến thể khác. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, biến thể phụ BA.2 vẫn là biến thể chủ đạo trong cộng đồng.

Cũng theo Bộ Y tế, trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát hiện biến thể phụ BA.4 như: Nam Phi, Anh, Úc, Áo, Đan Mạch, Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, Canada, Philippines, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc…

Tổ chức Y tế thế giới đưa dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 vào danh sách cần giám sát.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 vào danh sách cần giám sát. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh Châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm

Trao đổi với báo chí, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sự tiến hóa của một virus là rất khôn lường. Sự tiến hóa này được đánh giá trên các tiêu chí, như sự lây lan, mức độ mắc bệnh nặng hay nhẹ, nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong… Theo kinh nghiệm, một đại dịch sẽ có xu hướng tăng dần miễn dịch nếu có vaccine hoặc sau khi con người mắc bệnh, khi tăng dần số lượng này thì sẽ giảm dần biến thể, từ đó virus hoặc biến mất hoặc trở thành bệnh lưu hành.

Thực tế với SARS-CoV-2, sự tiến hóa của nó qua 5 đợt dịch xảy ra ở nước ta trong gần 3 năm vừa rồi cho thấy, virus này thay đổi nhiều biến chủng, từ Alpha, Delta, Omicron và 5 biến thể phụ của Omicron. Điều này cho thấy, các biến chủng của SARS-CoV-2 rất khó lường.

WHO kêu gọi các quốc gia tăng tỉ lệ tiêm chủng

Theo TTXVN, trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết tỉ lệ dân số có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021.

Theo WHO, hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỉ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.

Theo WHO, các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Tiêm vắc-xin Covid-19 để củng cố miễn dịch, bảo vệ bản thân trước biến thể mới

Theo TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới. Các biện pháp đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới. Thêm vào đó là vắc-xin.

"Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5", TS. Socorro Escalante nhấn mạnh.

Để phòng bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

"Vì vậy, vắc-xin tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vắc-xin Covid-19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại", GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng thông tin, theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vắc-xin hay sau khi đã mắc Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch và kể cả những biến thể khác.

Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vắc-xin Covid-19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại.

Người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh minh họa.

Việt Nam theo dõi chặt, thúc đẩy tiêm vắc-xin

GS.TS Phan Trọng Lân chia sẻ, hiện vắc-xin Covid-19 được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ theo nhu cầu, theo chỉ định và được vận chuyển tới các địa phương. Nơi nào chưa tiêm chủng đầy đủ, nơi đó có nguy cơ virus xâm nhập.

Hiện nay, các điểm tiêm chủng rất đa dạng, người dân có thể tiếp cận gần nhất các điểm tiêm tại các trạm y tế xã, phường, sau đó đến các cơ sở tiêm chủng khác. Đặc biệt, ở những nơi đi lại khó khăn, ngành y tế và các địa phương cũng đã có hình thức tiêm chủng lưu động, tiêm tại nhà.

Tại các xã, phường, thông qua hệ thống loa phường cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương, với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, người dân hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc đến các xã, phường để được tư vấn và tiêm ngay nếu sức khỏe bảo đảm.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động phòng, chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu; triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã.

Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Vietnam+, Chính Phủ)