Chính sách

Biến động tài sản tăng thêm từ 300 triệu đồng, cán bộ bị xử lý thế nào?

Tài sản, thu nhập của công chức sau khi kê khai sẽ được theo dõi biến động và yêu cầu giải trình nếu tăng đột biến.

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (thay thế Luật Phòng chống tham nhũng 2005) quy định tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập.

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật này là quy định công khai bản kê tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

Công khai tài sản của công chức tại nơi làm việc. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo quy định tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, tùy vào đối tượng kê khai mà sẽ có địa điểm công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tương ứng như sau:

- Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

- Đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

- Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.

- Đối với người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Đối với người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Như vậy có thể hiểu, đối với người làm việc thông thường tại cơ quan, đơn vị nào thì sẽ tiến hành công khai ngay tại cơ quan, đơn vị đó. Một số trường hợp khác như người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc người ứng cử đại biểu Quốc hội…thì sẽ công khai theo quy định riêng của trường hợp đó.

Song song đó, để việc kê khai này bảo đảm nguyên tắc chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời như quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì Quốc hội cũng có những hình thức xử lý rất nghiêm khắc như hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm….. nếu việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác.

Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan. Nếu tài sản, thu nhập có biến động tăng, cán bộ phải giải trình về việc này.

Hoàng Mai