Sự kiện

Biển Đông sắp đón bão số 7, dự báo diễn biến rất phức tạp

Ở khu vực bắc Biển Đông đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 27/10 áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông Philippines mạnh thành bão, vị trí lúc 19h khoảng 11,5N-130E, cường độ cấp 8. Cơn bão có tên quốc tế là Nalgae di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.

Khoảng đêm 30/10 bão di chuyển vào Biển Đông, gây gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12 trên khu vực phía đông vùng biển giữa và nam Biển Đông. Dự báo sau khi vào Biển Đông, 65-75% bão Nalgae sẽ di chuyển lên phía bắc, sau đó diễn biến bão còn rất phức tạp.

Tổng cục Khí tượng thủy văn đang theo dõi sát và sẽ cập nhật thường xuyên các diễn biến tiếp theo của cơn bão này. Tên bão Nalgae là tên bão do Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đặt tên. Trong ngôn ngữ của Triều Tiên, Nalgae có nghĩa là cái cánh.

Ảnh hưởng của cơn bão Nalgae trên vùng biển của Việt Nam vào lúc 10h sáng nay, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Phía bắc của khu vực giữa Biển Đông; vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có gó mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.

Thời tiết ngày và đêm 29/10, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, riêng phía đông cấp 8-9, giật cấp 11-12; biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5,0-7,0m. Vùng biển phía bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-6,0m; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ sạt lở bờ biển tại các tuyến xung yếu.

Dự báo từ nay đến tháng 4/2023, trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2-3 cơn tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. Tháng 1/2023 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực nam Biển Đông, có thể ảnh hưởng tới thời tiết các tỉnh phía nam nước ta.

Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022. Dự báo tổng lượng mưa tháng 11 ở bắc Trung Bộ cao hơn từ 15-30%, khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Tiền Phong)