Giáo dục

"Bia kèm lạc" ở NXB Giáo dục Việt Nam: Cần làm rõ vai trò liên quan

Việc mơ hồ quy định về sách bài tập khiến cho phụ huynh vẫn phải bỏ tiền mua sách dù biết có thể con em mình không dùng tới.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần đưa ra chỉ thị yêu cầu trường học không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng.

Đồng thời quán triệt không vận động, tư vấn để phụ huynh mua những xuất bản phẩm ngoài sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đối với phụ huynh khi được yêu cầu mua sách là họ vẫn sẵn sàng chi trả, dù có thể biết những cuốn sách đó không dùng tới. Còn phía NXB khi người tiêu dùng “chấp nhận” mua sách thì họ sẵn sàng thiết kế ra hàng chục, thậm chí hàng trăm đầu sách bài tập, sách tham khảo.

Hàng trăm đầu sách na ná nội dung

Nhìn qua danh mục đầu sách bổ trợ của các công ty thành viên tại phía Nam của NXB Giáo dục Việt Nam có thể thấy có rất nhiều những cuốn sách có tên tương tự nhau, cùng một mục đích được bán ra

Theo danh mục của Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục miền Nam sách tham khảo bộ SGK Chân trời sáng tạo phục vụ năm học 2022-2023, khối 6 có 11 đầu sách đều là vở thực hành của các môn học chia làm 2 tập như “Vở thực hành Ngữ văn 6”, “Vở thực hành Công nghệ”, “Vở thực hành Giáo dục công dân”,.. có giá từ 27.000 đồng – 35.000 đồng.

Cũng cùng là vở thực hành, đối với khối 7, có 13 quyển đó là “Vở thực hành Tin học 7”, “Vở thực hành Mỹ thuật 7”, “Vở thực hành Khoa học tự nhiên”,… quyển cao nhất có giá 42.000 đồng, thấp nhất là 25.000 đồng.

Điều đáng nói, đây đều là những quyển sách bài thực hành in sẵn, chỉ dùng được một lần, gây ra sự lãng phí không hề nhỏ. Nhiều chuyên gia, giáo viên đều phản ánh rằng việc các sách bài tập chỉ sử dụng được một lần sẽ gây lãng phí không cần thiết, trong khi chỉ cần làm trên một quyển vở trắng, vở bài tập thì có thể tái sử dụng được.

Ngoài SGK, NXB Giáo dục Việt Nam thiết kế nhiều đầu sách bài tập, sách tham khảo.

Sang đến danh mục tài liệu tham khảo cho khối tiểu học, lại hàng loạt cái tên khiến người mua đặt câu hỏi về sự cần thiết của chúng.

Cụ thể đối với lớp 4 có các sách như “Luyện tập Mỹ thuật 4”, “Vở thực hành luyện từ và câu lớp 4”, “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh”,… Tương tự các đầu sách này sẽ lại xuất hiện ở khối lớp 5 với giá từ 19.000 đồng - 25.000 đồng

Đối với học sinh lớp 1, NXB Giáo dục Việt Nam cho xuất bản các đầu sách là phiếu ôn tập cuối tuần các môn, phiếu ôn tập hè, bộ thẻ vui học với giá lên tới 42.000 đồng/quyển.

Chưa dừng lại ở đây, NXB này còn chia ra sách tham khảo lớp 1,2 theo Bộ SGK Chân trời sáng tạo có tổng số 48 cuốn. Với những cái tên như: “Em tập viết đúng viết đẹp lớp 1”, “Vui học cùng chữ viết lớp 1”, “Vui học chính tả 1”, “Vui học Tiếng Việt 1”,… Đối với bộ sách này, giá mỗi cuốn này dao động từ 20.000 đồng – 40.000 đồng.

GS.TS Phạm Tất Dong đã nhiều lần phản ánh việc "bán bia kèm lạc" khi mua SGK.

"Lũng đoạn thị trường thông qua thế độc quyền”

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Tất Dong, Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương bày tỏ quan điểm rằng NXB Giáo dục Việt Nam là NXB của Bộ GD&ĐT cung cấp tài liệu học tập cho học sinh nhưng có nhiều sai phạm nói nhiều năm mà không sửa, đẩy cao giá SGK ngay cả trong hoàn cảnh người dân gặp khó khăn.

Thầy Dong cho biết: “Trước đây, NXB luôn nói rằng tất cả vì phục vụ cho học sinh, phục vụ cho giáo dục, nhưng thực chất mục tiêu lại không phải là như vậy. Mục tiêu là nắm được nhu cầu về sách giáo khoa của tất cả người dân, lũng đoạn thị trường thông qua thế độc quyền”.

Ngoài ra, ông Dong cũng cho rằng NXB đưa ra những thông tin rất “mập mờ” khiến cho phụ huynh lầm tưởng rằng, đã dùng sách giáo khoa thì phải mua kèm sách bài tập, sách tham khảo, theo kiểu bán “bia kèm lạc”... trong khi sách bài tập thì không thể tái sử dụng do học sinh ghi trực tiếp vào đó, dẫn đến mỗi năm làm lãng phí rất nhiều chi phí của cả nhà nước lẫn nhân dân.

Ngoài ra, ông Dong cũng cho rằng cần làm rõ hơn vai trò của cả Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục đã nới lỏng, không làm hết trách nhiệm của mình nên mới để xảy ra những sai phạm và không phải NXB là cơ quan chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh.

Đưa ra những giải pháp xung quanh những lùm xùm về SGK hiện nay, chuyên gia cho rằng cần số hoá SGK và in ấn theo nhu cầu từng địa phương, phía Bộ GD&ĐT cần mua lại bộ sách tốt nhất để phổ cập miễn phí cho học sinh.

Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục cũng đưa ra giải pháp cần có những hướng dẫn cụ thể, tách biệt rõ ràng giữa sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo để tránh nhầm lẫn cho phụ huynh học sinh. Đặc biệt các hoạt động này cần làm rõ ngay ở các cơ sở giáo dục đào tạo.

Theo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 được công bố.

Trong giai đoạn 2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 2372 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn: Sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành (Nội dung này kết luận thanh tra khẳng định là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT).

Văn bản này gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua SGK đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.