Bịa đặt thông tin Trấn Thành bay lắc, người tung tin sẽ bị xử phạt như thế nào?

Mới đây, có người tung tin đồn Trấn Thành sử dụng chất cấm. Dù thông tin chưa được kiểm chứng nhưng với tốc độ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến Trấn Thành gặp phải không ít phiền toái. Vậy người tung tin đồn sẽ bị xử phạt ra sao?

Tối 29/5, khán giả xôn xao trước thông tin Trấn Thành ăn chơi, đi "bay lắc" cùng nhóm bạn, xuất phát từ loạt ảnh chụp màn hình tin nhắn giữa hai cô gái.

Trấn Thành bức xúc với thông tin đăng tải cho rằng anh cùng với nghệ sĩ khác sử dụng chất kích thích.

Theo đó, một người gửi bức ảnh được cho là của một nam diễn viên đang sử dụng chất kích thích và cho biết người này cùng với Trấn Thành đang tham gia cuộc ăn chơi với cô gái. Ngay sau đó, Trấn Thành bày tỏ sự bức xúc và cho biết sẽ báo công an và mời luật sư làm việc.

Đến chiều 30/5, nam MC thông tin đã tìm được hai tài khoản tung tin. Theo anh, dù hai tài khoản này đã gỡ bài viết liên quan đến anh và cho rằng đây chỉ là trò đùa, hoàn toàn không có chuyện nam nghệ sĩ đi bay lắc. Tuy nhiên, Trấn Thành vẫn quyết truy đến cùng.

"Tôi sẽ mời luật sư và công an để làm việc với nhân vật này. Bạn sẽ phải đối diện với pháp luật về hành động vô ý thức này", Trấn Thành viết.

Chia sẻ của Trấn Thành được nhiều người ủng hộ. Nhiều người bình luận, đây là bài học thích đáng và là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dùng mạng xã hội phải có ý thức và tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. 

Trấn Thành cho biết, anh sẽ làm đến cùng việc bị tung tin đồn sai sự thật.

Theo luật sư Đỗ Mạnh Hà (Công ty Luật Đỗ Hà), những thông tin bịa đặt, vu khống như vậy đã vi phạm pháp luật. Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định. Cụ thể là người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Chia sẻ thêm với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Mạnh Hà cho hay, ngày 3/2/2020, Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử. 

Nghị định mới quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.

Nghị định mới của Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, CNTT (gồm phát triển công nghiệp CNTT; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử...) và các giao dịch điện tử.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm có cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác như tước giấy phép có thời hạn đối với giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép kinh doanh sản phẩm, thiếp lập mạng xã hội…; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 24 tháng.