Sự kiện

Bí thư Sóc Sơn: Ca sĩ Mỹ Linh cũng là công dân, có kết luận thanh tra sẽ xử lý nghiêm!

Bên lề kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn chia sẻ, hãy coi ca sĩ Mỹ Linh như một công dân bình thường. Sau khi có kết luận của thanh tra thành phố về đất rừng ở Sóc Sơn, sẽ thực hiện xử lý nghiêm túc.

Chiều 4/12, bên lề kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với PV xung quanh việc xử lý những sai phạm liên quan đến đất rừng của địa phương, trong đó có 2 công trình là phủ Thành Chương và biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh.

Thưa ông, việc xử lý những sai phạm liên quan đến đất rừng của Sóc Sơn đã làm đến đâu? Vì sao một số công trình đang tháo dỡ lại dừng?

Bởi vì đang có thanh tra, chúng tôi đang phải chờ. Nếu như theo kế hoạch ban đầu, dự kiến trong tháng 11/2018 là thực hiện xong việc tháo dỡ các công trình vi phạm, tuy nhiên, sau khi huyện có kế hoạch cưỡng chế thì thành phố Hà Nội có quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Về mặt nguyên tắc, khi tiến hành thanh tra thì tất cả các hoạt động khác phải dừng lại để chờ kết luận thanh tra. Chính vì vậy, huyện phải dừng cưỡng chế để chờ và thực hiện theo kết luận thanh tra.

Đối với 18 công trình vi phạm ở xã Minh Phú là trong giai đoạn 2016 - 2017, hiện đã có 5 công trình tự tháo dỡ. Khi các công trình này đang tháo dỡ thì có quyết định thanh tra toàn diện của thành phố, vì thế, huyện đã vận động họ tạm dừng lại.

Dự kiến, trong tháng 1/2019 sẽ công bố kết luận cuối cùng của thanh tra thành phố. Chúng tôi sẽ thực hiện xử lý nghiêm túc theo kết luận này.

Hai công trình Việt phủ Thành Chương và nhà ca sĩ Mỹ Linh có mức độ sai phạm như thế nào, thưa ông?

Hai công trình này là nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2006 đã chỉ rõ. Đối với công trình nhà của ca sĩ Mỹ Linh, thanh tra thành phố sẽ thanh tra toàn diện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng giao cho UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng với bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng xử lý. Chính vì thế cho nên bây giờ huyện Sóc Sơn vẫn phải chờ kết luận cuối cùng để có hướng xử lý.

Trên giấy tờ, gia đình ca sĩ Mỹ Linh đang có sổ đỏ. Trong đó, có ghi 400m2 đất ở. Tuy nhiên, hiện nay công trình nhà ca sĩ Mỹ Linh đã xây dựng với tổng diện tích trên 530m2. Như vậy, số diện tích xây dựng vượt quá là hơn 130m2.

Tôi cũng mong muốn rằng, qua đợt thanh tra toàn diện này cũng là dịp để rà soát lại toàn bộ giá trị pháp lý của tất cả các công trình sai phạm trên địa bàn. Phải có cơ sở pháp lý rõ ràng thì mình mới xử lý triệt để.

Hiện nay, cơ sở pháp lý đang có nhiều vấn đề. Người dân thì cho rằng đất khai hoang, có dân trước có rừng sau. Khi cơ quan chức năng khoanh rừng, người dân đã kiến nghị bỏ khu vực đó ra khỏi bản đồ quy hoạch rừng. Tuy nhiên, trên cơ sở giấy tờ thì cơ quan chức năng chỉ bỏ được 1 đội của lâm trường, 3 đội còn lại thì vẫn đưa vào bản đồ quy hoạch rừng. Bởi vì chỉ có khu vực đội 1 là đầy đủ giấy tờ, số đội còn lại không có sổ địa chính nên không thể bỏ ra khỏi bản đồ quy hoạch rừng. Thế nhưng dân thì không chịu, họ cho rằng như vậy là không đúng. Hiện nay đang có câu chuyện như thế, khó khăn về mặt pháp lý.

Về mặt pháp luật, vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của thanh tra Thành phố.

Ông Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn nói về 2 công trình Việt phủ Thành Chương và nhà của ca sĩ Mỹ Linh (Ảnh: NĐT).

Nếu kết luận cuối cùng cho thấy rõ ràng nhà ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương sai phạm thì hướng xử lý ra sao, thưa ông?

Khi đã sai thì phải làm đầy đủ các bước để cưỡng chế, điều đó là đương nhiên. Nhưng theo trình tự thủ tục thì phải có căn cứ pháp lý.

Ông từng trả lời báo chí cho rằng, nếu phá công trình Việt phủ Thành Chương thì lãng phí. Ông có “rút” lại ý kiến này không?

Đúng là tôi nói như vậy. Bởi đây là công trình văn hóa Việt cổ, hiếm nơi nào có như thế, từ những con chó đá hàng mấy trăm năm. Nếu nói là phá thì mình là người vô cảm, thế nhưng cũng phải trên cơ sở pháp luật.

Nếu như sau này, mình thấy văn hóa đó cần lưu giữ thì phải tạo ra cơ chế hợp pháp cho bản thân người lưu giữ cũng thấy yên tâm, chứ không 5 – 7 năm lại lôi ra một lần, lại thanh tra các thứ… thì người ta cũng không yên tâm, mà chính quyền cũng mệt.

Tại Việt phủ Thành Chương có những bộ sưu tầm cực kỳ hiếm, ở Việt Nam chỉ còn duy nhất ở đó, chứ không phải còn nhiều. Chính vì thế tôi nói câu chuyện nếu phá đi thì phí là như thế và sau câu nói này thì tôi “nhận đủ gạch đá, xây nhà 20 tầng”. 

Tôi vẫn nghĩ lãng phí là đúng, bởi vì mình không thể vô cảm trước cái đó được. Nhưng mà ngược lại, cũng mong muốn qua việc này các cấp chính quyền nhìn nhận để có xử lý phù hợp.

Còn nếu như sai phạm buộc phải xử lý, với những việc đó mình có thể tạo ra những có chế về đất, có thể không phải ở đó nhưng ở một chỗ khác phải phù hợp, đất hợp pháp để họ yên tâm làm. Đấy mới là vấn đề cần tính.

Từng có ý kiến cho rằng, nếu được thì thành phố Hà Nội nên mua lại Việt phủ Thành Chương để đầu tư, phát triển du lịch. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Tôi vẫn nói rồi, phải chờ kết luận cuối cùng. Đây thuộc thẩm quyền của thành phố.

Còn cá nhân tôi thì cũng ủng hộ phương án trên. Nếu mà hai bên ngồi lại được với nhau bàn bạc đi theo phương án ấy cũng là cái tốt. Vì quay trở lại câu chuyện mà tôi từng nói, ở đó có nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị văn hóa lớn. Nếu phá bỏ thì tôi thấy tiếc.

Đó là Việt phủ Thành Chương - một công trình văn hóa, cần cân nhắc kỹ hướng xử lý. Vậy còn công trình nhà ca sĩ Mỹ Linh thì sao?

Đối với công trình nhà ở của Mỹ Linh, nếu kết luận sau cùng như thế nào thì phải thực hiện như thế. Tôi không cho rằng đó là nhà của ai, hãy coi ca sĩ Mỹ Linh như là một công dân bình thường. Sai đến đâu mình xử đến đấy.

Kết luận thanh tra sẽ có trong 45 ngày nên yên tâm sẽ công bố trước Tết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hường - Hoàng Bích