Sự kiện

Bí thư Hà Nội: "Tôi trăn trở vì câu nói Hà Nội không vội được đâu"

“Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở với câu này, nghĩa đen cũng có, nghĩa bóng cũng có”, Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.

Sáng 12/10, tại trụ sở UBND xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri tại huyện Gia Lâm đã nêu nhiều vấn đề trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng các ý kiến phát biểu của cử tri là rất tâm huyết, cởi mở, các ý kiến nêu lên vấn đề mang tầm quốc gia, tầm thành phố.

Về vấn đề quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đấu giá, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết thành phố đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này. "Chúng ta đang điều chỉnh quy hoạch chung trên địa bàn thành phố, nếu cứ mỗi dự án 2 ha trở lên dành ra 20% làm nhà ở xã hội là rất bất cập, không thể có đô thị mới, đô thị đẹp được. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố theo hướng các khu tập trung. Các dự án nhà ở thương mại ra thương mại, xã hội ra xã hội", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP) cũng cho biết, dù Thủ đô phát triển rất mạnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề rất bất cập, trong đó có ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cháy nổ… Việc phát triển Thủ đô theo hướng "hướng tâm" đã thu hút dân cư vào nội đô, gây áp lực về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội… Tiếp đó, ông dẫn chứng về việc dù vừa khánh thành hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra.

"Trường học cũng thiếu, bệnh viện cũng thiếu... Nếu chúng ta không mở rộng đường vành đai, phát triển Thủ đô thì những vấn đề về hạ tầng xã hội, vấn đề về ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết", Bí thư Hà Nội bày tỏ.

Với nhận thức nêu trên, Bí thư Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung báo cáo để triển khai tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 87 nghìn tỷ động, đi qua địa bàn 3 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

"3 tỉnh thành thống nhất cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án này. Theo cam kết, tiến độ đặt ra thì tháng 6/2023 cơ bản giải phóng, bàn giao 70% mặt bằng và cơ bản bàn giao xong vào cuối năm 2023", ông Dũng cho hay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng  tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đề cập về những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, ảnh hưởng của dịch bệnh trong 9 tháng đầu năm 2020, Bí thư Hà Nội cho biết điều này gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết 128/NĐ-CP nên vẫn đạt được nhiều kết quả rất nổi bật.

Đề cập đến công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, theo Bí thư Hà Nội, đây là vấn đề rất khó. Hiện toàn thành phố có 1.779 chung cư cũ nhưng mới cải tạo sửa chữa được hơn chục chung cư. Sau khi nhìn nhận việc ở chung cư cũ vô cùng nguy hiểm khi xảy ra dịch bệnh, cháy nổ, thành phố đã báo cáo Chính phủ để sửa nghị định cải tạo chung cư cũ.

"Tinh thần chung là cải tạo chung cư cũ theo từng khu thay vì làm theo từng tòa như trước kia. Và phải làm sao từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an toàn cho nhân dân", ông Dũng nhấn mạnh.

Về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết có hơn 1.900 thủ tục hành chính từ cấp thành phố, HĐND, UBND, các sở, ngành, quận, huyện xuống đến xã, phường.

"Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở với câu này, nghĩa đen cũng có, nghĩa bóng cũng có. Vừa rồi thống kê ra là làm từ dưới lên trên. Trong hơn 1.900 thủ tục hành chính thì có hơn 1.100 là thủ tục của các sở, ngành. Bước đầu đã phân loại được 634 thủ tục từ trên xuống dưới. Ngay Gia Lâm đây, huyện xin là bỏ tiền ra xây một trường cấp 3 nhưng vì thủ tục lằng nhằng ở trên sở, ngành, 3 năm nay chưa xong. Không thể chấp nhận được. Tới đây huyện cứ thế mà làm", Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu.

Nêu một số vấn đề của huyện Gia Lâm, Bí thư Hà Nội cho rằng nhìn chung 9 tháng đầu năm 2022, huyện đã triển khai tốt về kinh tế xã hội và ngân sách. Gia Lâm là 1 trong 2 huyện được thành phố ưu tiên. Tinh thần chung là cố gắng phấn đấu cho Đông Anh, Gia Lâm lên quận trong năm 2023.