Chính sách

Bí thư Hà Nội: Rà soát việc chỉ định thầu cho Nhật Cường cung cấp phần mềm

Liên quan đến việc chỉ định thầu cho Nhật Cường triển khai rất nhiều dịch vụ công của thành phố, sáng 21/5, PV đã có trao đổi nhanh với ông Hoàng Trung Hải, Bí thư TP.Hà Nội bên hành lang kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Thưa ông, sau khi bộ Công an khởi tố hàng loạt cá nhân và lãnh đạo Nhật Cường nhiều người đang lo ngại về các phần mềm do đơn vị này cung cấp cho Hà Nội. Ông nghĩ sao về việc này?

Đây là vụ việc bộ Công an làm, liên quan đến doanh nghiệp tư nhân trốn thuế. Tuy nhiên, vừa rồi báo chí có nhiều ý kiến đưa ra là Nhật Cường cung cấp nhiều dịch vụ công cho Hà Nội thì có ảnh hưởng không, thì Thành ủy đã giao cho UBND TP chỉ đạo các sở rà soát hết.

Yêu cầu trước hết là đảm bảo hoạt động bình thường cho hệ thống, nhất là chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới, sổ điểm điện tử, dịch vụ công cấp độ 3, 4... Cho đến nay, tôi được báo cáo là nó không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của TP, kể cả đồng chí Chủ tịch UBND TP và Giám đốc sở GD&ĐT đều báo cáo bảo đảm việc ấy.

Thứ hai là rà soát lại các thông tin báo chí nêu, ví dụ quy trình thủ tục pháp lý, chỉ định thầu có đúng không. Thực tế các đơn vị cung cấp dịch vụ cho TP rất nhiều chứ không phải chỉ có một mình Nhật Cường. Đó cũng là việc phải rà soát lại để báo cáo Thành ủy.

Theo như quy trình thông thường, những gì báo chí nêu thì TP đều phải có chỉ đạo rà soát, việc này đúng thì xử lý, xem trách nhiệm của TP, hay quận, sở, ngành... để xử lý. Cũng phải phối hợp với Bộ Công an để có gì liên quan thì thực hiện vì sự việc xảy ra trên địa bàn TP.

Bí Thư Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Hiện nay Giám đốc Nhật Cường đã bỏ trốn, vậy phía Hà Nội đã yêu cầu đơn vị này chuyển giao các phần mềm hệ thống cho mình vận hành chưa?

Đấy cũng là một trong những giải pháp. Đầu tiên phải đảm bảo cho nó hoạt động bình thường đã, sau đó phải kiểm soát và có các giải pháp làm sao để dịch vụ công không bị ảnh hưởng. Thuê dịch vụ cũng là hoạt động thông thường của các chính quyền, không thể tự làm hết được, phải thuê dịch vụ, nhưng khi có rủi ro thì anh phải có giải pháp dự phòng. Nếu chưa có thì mình phải hình thành giải pháp ấy. Các hệ thống chính quyền điện tử, hệ thống điều hành đều phải làm như vậy hết.

Nhiều người lo ngại về tính bảo mật khi Nhật Cường cung cấp phần mềm, ông nghĩ sao?

Tôi cũng có thông tin về việc ấy, khi rà soát họ sẽ phải báo cáo Thành ủy. Cung cấp dịch vụ thì phải có hợp đồng, không thể tự dưng anh cấp hay anh không cấp. Khi xảy ra vấn đề thì hai bên phải rà soát lại hợp đồng với nhau. Có mấy hình thức là tôi cung cấp, anh trả tiền, tôi bảo hành, tôi bảo mật... Vừa rồi báo chí cũng nói nhiều đến bảo mật thì mình cũng phải để ý đến việc ấy. Thực tế một số dịch vụ trong xã hội người ta cũng nói nhiều đến việc bảo mật thông tin của khách hàng thì đó là việc số một mà mình phải để ý tới. Thành ủy đã giao các cơ quan kiểm tra việc ấy.

Đã bao giờ Thành ủy được báo cáo là thành phố sẽ sử dụng dịch vụ của Nhật Cường chưa?

Tôi biết là có dịch vụ của Nhật Cường, nhưng còn báo cáo để xin ý kiến, xin chủ trương thì quy mô dự án chưa đến mức đó, UBND không phải trình.

Nhật Cường tiền thân chỉ bán điện thoại và phần cứng, đến năm 2016 lại sản xuất phần mềm cho TP.Hà Nội. Đây chính là việc TP sẽ phải rà soát. Họ cung cấp phần mềm, thì khi anh chọn họ chắc chắn anh phải có đánh giá là họ có năng lực hay không. Theo quy định, kể cả chỉ định thầu hay đấu thầu đều có bước đánh giá năng lực kinh nghiệm. Đấy là một trong những nội dung phải xem đã làm đúng chưa, có gì chưa đúng, có gì phải điều chỉnh hay mình đã làm chặt chẽ.

Lo lắng là rất đúng vì TP số lượng học sinh rất lớn, mỗi lần thi cử là rất đáng lo. Nhưng cho đến ngày hôm nay khi có sự việc xảy ra thì anh em đã tập trung rà soát mảng về dịch vụ công và mảng thi cử thì tôi được báo cáo là vẫn hoạt động bình thường.

Ông đã làm việc với Nhật Cường về việc cung cấp phần mềm chưa?

Cho đến bây giờ thì chưa. Bên Ủy ban sẽ rà soát và báo cáo phương án xử lý tiếp theo, cần gì thì họ sẽ làm việc.

Hiện nay chính sách về phần mềm công chưa hoàn thiện. Tại sao Hà Nội lại tiên phong đi đầu, đặc biệt lại giao cho đơn vị còn non trẻ trong giới công nghệ lĩnh xướng?

Như tôi đã nói, Hà Nội sẽ rà soát để xem các quy định của pháp luật đã có chưa. Thuê các dịch vụ bên ngoài nó không có gì lạ, mới, phải có quy định đặc biệt gì lắm đâu. Cũng như anh đi mua dịch vụ y tế, hoặc bác sĩ gia đình... Khi mình chưa có quy định thì nhiều nhà cũng đã sử dụng dịch vụ như thế.

Hiện Hà Nội mới cho rà soát để tính ra là bao nhiêu % giao cho Nhật Cường làm, thì mới có cơ sở để nói. Theo như báo cáo thì có rất nhiều doanh nghiệp khác nữa chứ không riêng gì Nhật Cường.

Chính quyền điện tử, smart city là chủ trương lớn của Chính phủ mà Hà Nội đi đầu. Vậy UBND TP có báo cáo Thành ủy về việc dùng dịch vụ của Nhật Cường dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể như thế nào không?

Chủ trương về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố điện tử là chủ trương của Chính phủ trong rất nhiều năm đã thực hiện chứ không phải mới. Thành ủy cũng có chủ trương triển khai các dịch vụ công ấy, mà cái lớn nhất là tạo thuận lợi cho người dân, giảm tiêu cực, nhũng nhiễu ở chính quyền các địa phương. Nhưng cụ thể chi tiết thì Thành ủy không quyết định từng việc một mà có quy chế của Thành ủy dự án cỡ nào anh phải trình Thành ủy, phải ra thường vụ quyết định và dự án cỡ nào thì anh có thẩm quyền triển khai và anh chịu trách nhiệm. Chứ không phải tất cả các dự án Thành ủy đều phê duyệt.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV Quốc hội