Video

Bị Tào Tháo nhìn thấu dã tâm Tư Mã Ý có hành động lạ để cứu mạng

Trong thời kỳ Tam Quốc, Tư Mã Ý là một mưu sĩ dù phục vụ dưới trướng của Tào Tháo nhưng ông lại mang trong mình tham vọng to lớn.

Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam Quốc.

Tuy nhiên, dù Tào Tháo đa mưu túc trí nhưng Tư Mã Ý mới thực sự là người chiến thắng trong cuộc chiến giành thiên hạ, đặc biệt là khi Tư Mã Ý có thể giấu tài của mình dưới trướng Tào Tháo khiến không ít người phải thán phục. Song, có thật là Tào Tháo không nhận ra dã tâm của Tư Mã Ý hay không?

Trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, có chép lại một giai thoại như sau. Khi  Tào Tháo hỏi Tư Mã Ý: “Tại sao bàn chân trắng hơn tay và mặt?”.

Tư Mã Ý trả lời: “Tại hạ không biết”.

Tào Tháo cười nói: “Bởi vì nó được che đậy”.

Tư Mã Ý nghe xong tái mặt hoảng hốt, bởi câu hỏi và câu trả lời của Tào Tháo đã đánh trúng vào dã tâm của Tư Mã Ý đang nung nấu.

Có thể thấy câu hỏi này của Tào Tháo không chỉ là câu hỏi đơn thuần. Chúng ta đều biết lòng bàn chân luôn lõm vào và có thể giấu giếm một cái gì đó. Ngụ ý của Tào Tháo là ông biết được Tư Mã Ý có lòng riêng, tham vọng riêng vẫn còn giấu diếm, Tào Tháo nói ra để Tư Mã Ý hiểu rằng phải từ bỏ dã tâm, bằng không việc loại bỏ Tư Mã Ý với Tào Tháo là điều vô cùng đơn giản.

Tư Mã Ý là người thông minh ngay lập tức nhận thức được ý nghĩa sâu xa đằng sau câu hỏi của Tào Tháo, ông đã đáp trả bằng một hành động hạ mình xuống phủi bụi trên mặt đất, như một cách để làm sạch và dọn đường cho Tào Tháo tiến bước.

Hành động lạ này thể hiện việc Tư Mã Ý đã thấu hiểu dụng ý của Tào Tháo, chấp nhận làm bề tôi trung thành, tận tâm lăn xả hết mình vì chủ nhân. Tào Tháo, nhìn thấy Tư Mã Ý đã hiểu được điều ông muốn truyền đạt qua câu hỏi thì hài lòng bước về xe ngựa.

Theo các nhà nghiên cứu bình luận, ban đầu, Tào Tháo phòng thủ mưu thần mọi lúc mọi nơi, Tư Mã Ý ngay cả cơ hội tiếp chuyện cũng không không có. Thậm chí, Tư Mã Ý cũng từng có lúc đưa ra ý kiến cho Tào Tháo nhưng không hề được Tào Tháo để tâm.

Thế nhưng dù đã đưa ra lời cảnh báo, Tào Tháo cũng không thể ngờ sức nhẫn nhịn của Tư Mã Ý lại lớn đến thế, để rồi sau hàng chục năm họ Tư Mã đã tiến hành một cuộc lật đổ ngoạn mục vào năm 249, khiến hoàng đế Nguỵ chỉ còn tồn tại trên lý thuyết.

Tư Mã Ý (179 –251) tự Trọng Đạt, là nhà chính trị, nhà quân sự phục vụ nước Tào Ngụy thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người đặt nền móng cho nhà Tây Tấn (hay nhà Tấn) thay thế nhà Tào Nguỵ.

Quốc Tiệp