Sức khỏe

Bị sốt xuất huyết rồi có tái phát không, phòng bệnh như thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể bị mắc lại dù đã từng bị trước đó, vì vậy mọi người cần có những biện pháp phòng tránh để không bị tái nhiễm bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 chủng gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 chủng gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Khi mắc một chủng virus Dengue nào đó, người bệnh có được kháng thể của chủng virus đó, có khả năng miễn dịch và không tái phát lại chủng đã từng gây bệnh.

Tuy nhiên, miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng chủng cho nên chúng ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những chủng khác nhau. Do đó, bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể bị mắc lại dù đã từng bị bệnh trước đó và còn có xu hướng nặng hơn so với lần đầu. Vì vậy mọi người cần có những biện pháp phòng tránh bị tái nhiễm sốt xuất huyết, đặc biệt khi dịch đang bùng phát mạnh.

Một phòng bệnh điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM. (Ảnh: Suckhoedoisong.vn).

Các chuyên gia đã đưa ra một số biện pháp phòng tái nhiễm sốt xuất huyết như:

- Loại bỏ các ao tù, nước đọng xung quanh môi trường sống để hạn chế không gian sinh sản của muỗi.

- Thường xuyên dọn dẹp không gian trong nhà, phòng ngủ như dây treo quần áo, ngăn tủ,... bởi muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc tính sống ở những nơi sạch sẽ. Có thể sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng để trừ muỗi.

- Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

- Có thói quen mặc quần áo dài, ngủ màn vào ban đêm,... để tránh việc bị muỗi đốt. Hoặc có thể sử dụng một số loại kem thoa chống muỗi để ngăn sự tiếp cận của muỗi với cơ thể.

- Phun hóa chất diệt muỗi hiệu quả thì tốt nhất là định kì phun thuốc diệt muỗi vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Tuy nhiên, phải phun hóa chất phòng, chống dịch đúng cách thì mới có thể đạt hiệu quả cao.

- Khi có các biểu hiện bị tái nhiễm virus như đang ở vùng có dịch lưu hành, sốt cao đột ngột, nổi ban trên da... nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà không có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Quốc Tiệp (t/h)