Thế giới

Bỉ sẽ đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân hiện tại vào năm 2025

Bỉ tuyên bố sẽ đóng cửa 7 nhà máy điện hạt nhân hiện tại trong vòng 4 năm tới, đồng thời đầu tư 110 triệu USD vào các lò phản ứng module thế hệ mới nhỏ hơn.

Việc loại bỏ dần điện hạt nhân đã được ghi trong luật của Bỉ từ năm 2003, tức là gần 2 thập kỷ trước. Nhưng phải mãi tới gần đây, thời hạn năm 2025 mới được thống nhất.

Sau các cuộc đàm phán kéo dài suốt đêm giữa các bộ trưởng liên minh, hôm 22/12, Chính phủ Bỉ đã xác nhận 7 lò phản ứng hạt nhân tại 2 nhà máy, tạo ra khoảng một nửa lượng điện năng cho đất nước, sẽ ngừng hoạt động vào năm 2025.

Nó trái ngược hoàn toàn với nước láng giềng Pháp, nơi việc sử dụng nguồn năng lượng không phát thải carbon này đang được đẩy mạnh. Trong khi đó, Đức dự kiến đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của nước này vào cuối năm 2022.

Theo thỏa thuận đạt được, thay vào đó, Chính phủ Bỉ sẽ đầu tư 110 triệu USD (100 triệu Euro) vào nghiên cứu năng lượng xanh hơn và các lò phản ứng module thế hệ mới nhỏ hơn. Thủ tướng Alexander De Croo tuyên bố lựa chọn thay thế này đơn giản hơn, an toàn hơn và rẻ hơn.

Nghiên cứu này sẽ tập trung vào các nguồn năng lượng bền vững, linh hoạt và trung hòa với carbon, Bộ trưởng Năng lượng Tinne Van der Straeten cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng lựa chọn thay thế này, hoặc các nguồn năng lượng tái tạo như phong điện và quang điện, có thể không cung cấp đủ năng lượng để lấp đầy khoảng trống trong ngắn hạn, và điều này có thể dẫn đến việc Bỉ phải phụ thuộc vào các quốc gia khác về năng lượng.

Stavros Papagianneas, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Steps 4 Europe, cho biết các nhà cung cấp không thuộc EU sẽ cảm nhận được tác động tồi tệ nhất và người dân sẽ phải chi trả hóa đơn điện cao hơn.

Ví dụ, Nga chịu trách nhiệm 35% nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu, một con số có thể tăng lên khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động.

Đường ống dẫn khí đốt dài 1.200 km từ Nga sang Đức đã được xây dựng với chi phí 11,3 tỷ USD, và giờ nó đang chờ các cơ quan quản lý của Đức chứng nhận.

Trong khi đó, Hà Lan đang đóng cửa mỏ khí đốt tự nhiên trên bờ lớn nhất châu Âu cung cấp gần một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của Bỉ.

Trong một báo cáo, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kết luận Bỉ "vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đang đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng".

Chính phủ liên bang ở Brussels đã vạch ra kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy chạy bằng khí đốt ở trong nước để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị tổn hại.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động khí hậu cho rằng điều này sẽ đi ngược lại với nhiều cam kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng trước. Tại hội nghị này, các nước EU đã ký kết một thỏa thuận khuyến khích cắt giảm khẩn cấp hơn lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính để đạt được một tương lai trung lập carbon.

Nhà máy điện hạt nhân nằm khuất sau các ngôi nhà ở làng Doel, Bỉ. Ảnh: France24

Năng lượng hạt nhân cũng gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên EU khác khi khối này tranh cãi về việc đưa nguồn năng lượng và khí đốt tự nhiên vào danh sách các nguồn năng lượng bền vững đủ điều kiện đầu tư của EU.

Danh sách này, được gọi là “Phân loại của EU cho các hoạt động bền vững”, sẽ được Ủy ban châu Âu (EC) trình bày vào tháng 1/2022.

Hệ thống phân loại này được thiết lập để làm rõ các khoản đầu tư nào là bền vững với môi trường.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng, năng lượng hạt nhân không thân thiện với khí hậu và cần được loại bỏ dần để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng khác.

Minh Đức (Theo France24, CGTN)