Xã hội

"Bí quyết" giúp sĩ tử giành điểm cao môn Toán thi vào lớp 10

Để đạt được kết quả tốt nhất đối với bài thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, mỗi học sinh cần xây dựng cho mình chiến thuật ôn luyện và làm bài hợp lý.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang tới gần, đa số các em học sinh đều rất lo lắng. Hiểu tâm lý này, các thầy cô giáo với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm đã nhắn nhủ, dặn dò và đưa ra "bí quyết" làm bài thi môn Toán đạt điểm cao cho các sĩ tử.

Theo thầy Hồng Trí Quang (giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) các kiến thức trọng tâm các thí sinh cần lưu ý là:

- Căn thức và bài toán liên quan

- Hệ phương trình

- Giải bài toán bằng cách lập phương trình – hệ phương trình

- Tam thức bậc hai và đồ thị hàm số

- Hình học – Tứ giác nội tiếp

- Bất đẳng thức hoặc giải phương trình

- Xu hướng đổi mới: một bài toán thực tế (liên quan đến hệ thức lượng, đường tròn, hàm số, giải phương trình, hình không gian …)

Thầy Quang cho rằng để đạt điểm cao, học sinh phải ôn luyện và nắm vững kiến thức cơ bản cùng kỹ năng trình bày bài, sau đó mới đến các câu vận dụng, vận dụng cao: “Theo kinh nghiệm ôn thi của tôi thì các bạn nên tập trung vào 80% cơ bản và 10% các câu thuộc mức độ vận dụng (bài toán liên quan đến căn thức hoặc đồ thị, tam thức bậc hai hoặc bài toán thực tế) để đạt 9 điểm. Còn 10% kiến thức ở mức độ vận dụng cao (5% hình học + 5% bất đẳng thức hoặc giải phương trình), nếu đã thực sự đã ổn định ở mức 9 điểm và còn thời gian ôn thi thì ta mới nên luyện”.

Cùng với đó, thầy Quang nhắn nhủ các học sinh, trước ngày thi nên xem lại kiến thức một cách nhẹ nhàng và tạo “khoảng trống” cho đầu óc nghỉ ngơi. Không nên học thêm kiến thức mới, nhất là những kiến thức khó, bởi nó sẽ làm các sĩ tử vừa mệt mỏi vừa hoang mang.

Bên cạnh nền tảng kiến thức vững chắc, học sinh cần phân chia thời gian hợp lý trong quá trình làm bài.

"Những câu lấy điểm 9, 10 thường là những câu khó, đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức cao, đặc biệt là làm được tất cả những câu trên mới có thể hoàn thiện những câu khó.

Vì vậy, khi làm bài, các em cần phân chia thời gian hợp lý. Ví dụ, trong đề thi 120 phút, các em chỉ làm bài trong khoảng 80 phút để lấy 9 điểm. Thời gian còn lại, dành thời gian suy nghĩ các câu khó hơn.

Nguyên tắc là phải làm tốt tất cả các câu ở mức độ dễ mà các em học sinh khác đều làm được, trong thời gian ngắn. Cộng thêm phải làm thêm được các ý khó, như vậy, các em mới có thể đạt được mức điểm 9, 10", thầy Nguyễn Mạnh Cường - giáo viên dạy Toán trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đồng thời là giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI, phân tích thêm.

Khi nhận được đề, học sinh nên đọc toàn bộ nội dung từ 2 - 3 lần, xác định thứ tự làm các câu và ghi vào góc trái tờ nháp, làm chắc phần cơ bản rồi mới đến phần khó. Trong lúc làm bài, làm xong ý nào, câu nào, nên gạch để khỏi sót. Tiếp theo, học sinh cần đọc, soát đề trước và sau mỗi câu đã làm xong.

Bên cạnh bí quyết "làm chắc bài cơ bản rồi mới đến bài khó", để làm tốt bài thi môn Toán, cô Nguyễn Vân Anh, Tổ trưởng tổ Toán - Lý trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình) còn đưa ra một số lưu ý đối với từng phần trong đề thi.

Theo cô Nguyễn Vân Anh, môn thi gồm 5 bài.

Bài 1: Thí sinh lưu ý không viết thỏa mãn ở phần kết luận. Nếu xuất hiện biểu thức mới thí sinh nhớ bổ sung điều kiện xác định; Đôi khi phải đổi dấu để tìm mẫu thức chung hoặc có phép trừ cho một tổng đại số phải đặt ngoặc rồi phá ngoặc. Nếu đề bài là chứng minh, học sinh nhớ khẳng định điều phải chứng minh…

Bài 2: Thí sinh cần căn cứ vào câu hỏi để đặt ẩn và bài toán vận dụng thực tế: Thường sử dụng công thức hình học không gian.

Bài 3:

-Với câu 1: Giải phương trình bậc 2, 3, 4 hoặc hệ phương trình, buộc các thí sinh phải tìm điều kiện của ẩn để căn có nghĩa, mẫu khác 0; Khi đặt ẩn phụ chú ý điều kiện của ẩn phụ; Đối chiếu điều kiện trước khi kết luận.

-Với câu 2: Thường là tìm điều kiện của tham số để hai đồ thị hàm số có mối quan hệ nào đó hoặc tìm điều kiện tham số để phương trình thoả mãn yêu cầu...

Bài 4: Phần hình học tổng hợp, học sinh nên đọc kỹ đề bài, vẽ hình chính xác chú ý: Điểm thuộc cung nhỏ, điểm nằm giữa, đoạn thẳng này nhỏ hơn đoạn thẳng kia,... ký hiệu các dữ liệu đã cho trong hình; Liên kết yếu tố cho với các kiến thức liên quan…

Bài 5: Giải các phương trình đặc biệt hoặc bài toán cực trị, bất đẳng thức. Ở bài này, học sinh cần nắm vững một số bất đẳng thức cơ bản; Có kỹ năng đánh giá điểm rơi; Các bất đẳng thức phụ.

Cô Nguyễn Vân Anh cũng nhấn mạnh, khi làm xong bài các em cần dành thời gian kiểm tra tổng thể, tô lại các con số nếu dễ gây hiểu lầm cho giám khảo, soát lại thông tin và ký vào giấy nộp bài, nhớ ghi rõ số tờ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là trước ngày thi, thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ trang phục, đồ dùng học tập, giấy tờ tuỳ thân từ tối hôm trước. Các em nên đi ngủ sớm, đặt đồng hồ báo thức để dậy đúng giờ, tốt nhất nên đến sớm trước giờ quy định 15 phút để tạo tâm lý ổn định khi bước vào phòng thi.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Thủ đô, Lao Động, infonet)