Giáo dục

Bí quyết giành điểm 9+ của thầy giáo dạy Địa trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1) sẽ chính thức diễn ra, giữa bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, các sĩ tử liệu đã sẵn sàng? Nếu chưa thực sự tự tin, thí sinh có thể tham khảo bí quyết giành điểm 9+ với đề thi năm nay được thầy giáo Địa lý bật mí.

Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến năm học, bộ GD&ĐT đã giảm tải những một số nội dung kiến thức cho học sinh, đồng thời giảm áp lực cho các thí sinh. Chính vì vậy, sau khi công bố đề thi minh họa lần 1, bộ GD&ĐT tiếp tục công bố đề thi minh họa lần 2 với những giảm tải nhất định.

Đối với những thí sinh lựa chọn môn Địa lý trong kỳ thi này, đây vẫn là giai đoạn đặc biệt quan trọng để tổng hợp kiến thức và nắm phương pháp làm bài thi tốt nhất. Trước đó, theo nhận định về đề thi minh họa lần 1, thầy giáo Đàm Thanh Tùng, tác giả cuốn sách “Xử lý nhanh trắc nghiệm Địa lý thi THPT Quốc gia” đã bật mí, môn Địa lý năm nay có những “bất ngờ lớn” dành cho các thí sinh!

Lần này, nhận xét về đề thi minh họa môn Địa lý đã giảm tải, thầy Tùng đánh giá: “Các nội dung giảm tải, tự học có hướng dẫn, khuyến khích học sinh tự đọc, nằm trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của bộ GD&ĐT học kỳ II, năm học 2019-2020, không xuất hiện trong đề tham khảo mới nhất. Không có nội dung lớp 11. Đây là một lợi thế rất lớn dành cho các thí sinh năm nay, khi số lượng nội dung cần học được giảm bớt, phù hợp với tình hình năm học”.

Thầy giáo Đàm Thanh Tùng, tác giả cuốn sách “Xử lý nhanh trắc nghiệm Địa lý thi THPT Quốc gia”.

Thầy giáo trẻ đưa ra những phân tích cụ thể hơn: “Về câu hỏi kỹ năng Địa lý (Atlat, Biểu đồ, Bảng số liệu), so với các năm học trước, đề năm nay đã tăng lên 18 câu hỏi. Tuy đây không phải là nội dung khó, nhưng cần luyện tập nhiều, đòi hỏi sự cẩn thận. Chỉ riêng nội dung này đã được 4,5 điểm.

Về mức độ nhận thức, tôi có một số đánh giá như sau: xét tổng thể, so với đề thi chính thức năm 2019, số lượng câu hỏi Nhận biết - Thông hiểu tăng, giảm câu hỏi Vận dụng; các câu hỏi khó, mức độ Vận dụng tập trung ở phần Tự nhiên, Dân cư. Chính vì vậy, các thí sinh cần ôn chắc kiến thức cơ bản, kết hợp với việc mở rộng, nâng cao, có sự so sánh, rút ra mối liên hệ giữa các đối tượng địa lý, đặc biệt với những bạn có mục tiêu trên 9 điểm. Đối với phần Ngành kinh tế và Vùng kinh tế, câu hỏi chủ yếu là mức độ Nhận biết - Thông hiểu nên những học sinh có mục tiêu điểm số thấp hơn, có thể tập trung ôn chắc nội dung này”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được chia thành 2 đợt thi.

Cuối cùng, tác giả cuốn sách “Xử lý nhanh trắc nghiệm Địa lý thi THPT Quốc gia” chia sẻ một vài lưu ý dành cho thí sinh ôn thi giai đoạn cuối: “Giai đoạn này, các em nên tập trung tổng rà soát một lượt kiến thức. Nắm thật chắc kiến thức, làm đề thi sẽ tự tin hơn, không học thuộc theo từng câu hỏi trắc nghiệm vì sẽ có rất nhiều khía cạnh có thể khai thác từ một nội dung đó. Học hiểu bản chất vấn đề. Không “học tủ” vì đề thi phủ rộng kiến thức, ở tất cả các phần.

Có thể kết hợp làm thêm đề thi của các sở GD&ĐT, các trường, thầy cô giáo uy tín để đánh giá khả năng bản thân, thông qua đó cũng phát hiện “lỗ hổng” kiến thức để kịp thời bù đắp. Với câu sai, hãy tìm hiểu cặn kẽ vì sao mình sai? Tại sao đáp án khác đúng? Từ đó, các em sẽ hiểu bản chất câu hỏi chứ không học thuộc lòng câu hỏi”.

Các sĩ tử sẵn sàng chinh phục đề thi năm nay.

“Và đặc biệt lưu ý, gần sát ngày thi rồi, các em hãy chú ý giữ gìn sức khỏe! Chúc các em học sinh sẽ thật bình tĩnh, tỉnh táo trong kỳ thi tới!”, thầy Tùng nhắn nhủ.