Sức khỏe

Bị ngộ độc thực phẩm ngày Tết phải làm gì đầu tiên?

Bên cạnh việc chuẩn bị thực đơn cho ngày Tết, vấn đề phòng tránh và sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm cũng là chủ đề được nhiều chị em quan tâm.

Ngộ độc thực phẩm, còn gọi là trúng thực, là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, hóa chất độc hại...

Trong dịp Tết, tình trạng ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1- 2 ngày sau khi ăn với các biểu hiện:

- Buồn nôn và nôn: Khi bị ngộ độc thực phẩm rất nhiều người sẽ cảm thấy buồn nôn và nôn. Triệu chứng này có thể chỉ diễn ra vài lần nhưng cũng có thể rất dữ dội, liên tục, thậm chí nôn ra máu.

- Đau bụng, tiêu chảy: Người bệnh có thể xuất hiện những cơn đau bụng nghiêm trọng hoặc có những cơn co rút ở khu vực bụng. Sau đó có thể bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng kéo dài trên 2, 3 ngày, thậm chí là đi ngoài ra máu.

Ngoài ra ngộ độc thực phẩm còn gây ra một số triệu chứng khác như chóng mặt, đầu óc quay cuồng, sốt nóng hoặc sốt rét, khó thở, da tím tái, vã mồ hôi, truỵ mạch (mạch nhanh, huyết áp tụt), co giật...… Trong trường hợp mất nước do nôn và tiêu chảy, người bệnh sẽ cảm thấy rất khát, mệt mỏi, cơ thể mất năng lượng, khô miệng, tiểu tiện ít…

Ngộ độc thực phẩm không chỉ làm tổn hại sức khỏe người bệnh, làm hỏng không khí đón Tết của cả gia đình mà trong nhiều trường hợp nó còn đe dọa đến tính mạng.

Do đó, khi phát hiện người xung quanh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm bạn cần xử trí kịp thời theo hướng dẫn sau đây:

Có thể gây nôn cho người bị ngộ độc thực phẩm bằng cách uống đầy nước rồi móc họng. (Ảnh minh họa)

-Cách sơ cứu thông dụng nhất khi nạn nhân còn tỉnh táo là khẩn trương tìm cách gây nôn, nôn càng nhiều càng tốt để đẩy hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách cho người bệnh uống đầy nước rồi ngoáy vào họng hoặc pha một cốc nước muối loãng, dùng tay đặt vào lưỡi bệnh nhân, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.

Tuy nhiên, chỉ gây nôn với những bệnh nhân còn tỉnh, với trường hợp hôn mê, tuyệt đối không nên gây nôn vì có thể gây sặc thức ăn và gây tắc thở.

- Sau khi gây nôn để người bệnh nghỉ ngơi. Tiếp đó hòa 1 lít nước với 1 gói orezol hoặc pha 1/2 thìa cà phê muối với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống hiện tượng mất nước.

Việc uống nhiều nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể, hạn chế tối đa tác hại của độc tố. Đối với trẻ từ 2 - 10 tuổi thì pha 1 gói orezol với 200ml nước rồi cho trẻ uống.

- Trong trường hợp nạn nhân bị co giật, ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim.

- Sau khi sơ cứu cần đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Lưu ý cần mang theo mẫu thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.
Ngoài ra tuyệt đối không cho người bị ngộ độc dùng thuốc chống tiêu chảy vì các loại thuốc này có thể làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn, chất độc ra khỏi cơ thể.

Bên cạnh đó để phòng tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu này bạn hãy tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Chọn thực phẩm tươi sống, đảm bảo chất lượng: Nên mua thực phẩm ở những địa chỉ uy tín, chọn thực phẩm tươi sống, không có mùi lạ, ôi thiu. Nên mua rau củ, trái cây theo đúng mùa vụ.
Với thực phẩm chế biến sẵn, nên chú ý đến nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần của thực phẩm.

- Chế biến, bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh: Nên ăn chín uống sôi, không để lẫn thức ăn chín và thức ăn sống. Thực phẩm sống cần được rửa kỹ và bảo quản trong tủ lạnh.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm cũng như trước khi dùng bữa. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ, đồ dùng chế biến thực phẩm, nơi bảo quản thực phẩm như tủ lạnh để tránh vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi.

Minh Hoa (t/h)