An ninh - Hình sự

Bí mật trong "công xưởng" in tiền giả: Những giao dịch lạ ở cột điện, bãi rác

Thời gian qua, nhiều vụ sản xuất tiền giả lên đến hàng tỷ đồng đã bị cơ quan công triệt phá. Các tên tội phạm sản xuất tiền giả dù tinh vi và vô cùng liều lĩnh nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi lưới pháp luật.

Những năm gần đây cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật sản xuất tiền giả của tội phạm ngày càng tinh vi. Nhiều người vì lòng tham nên đã bất chấp tất cả, tham gia vào đường dây sản xuất, buôn bán tiền giả rồi công khai buôn bán chúng trên mạng xã hội.

Công cụ sản xuất tiền giả của một nhóm tội phạm tại TP HCM. Ảnh: Người lao động

Đấu tranh với loại tội phạm này, công an đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển, mua bán tiền giả mệnh giá cao. Điển hình là nhóm đối tượng "sản xuất" khoảng 2 tỷ tiền giả do học lỏm quy trình trên mạng vừa bị triệt phá ở Đắk Nông.

Theo đó, kẻ cầm đầu, trực tiếp sản xuất tiền giả trong đường dây này là Nguyễn Đức Huy (32 tuổi, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh, tạm trú Đắk Nông), từng có 2 tiền án về tội “cướp giật tài sản”.

Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 4/2/2020, Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã ban hành cáo trạng truy tố đối với 16 bị can trong đường dây. Cáo trạng xác định, đối tượng Huy là kẻ cầm đầu. Do nghiện ma túy nhưng không có tiền mua ma túy sử dụng nên sau nhiều ngày mày mò, Huy vào mạng internet để xem hướng dẫn cách làm tiền giả. Đối tượng sau đó mua máy in màu và các máy móc vật dụng khác về sản xuất tiền giả.

Chỉ từ tháng 7/2018 đến thời điểm bị bắt, Huy đã cùng đồng bọn sản xuất tiền giả lên tới con số gần 2 tỷ đồng rồi đem bán cho các đối tượng tiêu thụ, thu về hơn 560 triệu tiền thật. Để điều hành việc in ấn và giao dịch với các đối tượng có nhu cầu mua tiền giả, Huy đặt điểm in tiền tại một căn nhà trong con hẻm ngoằn ngoèo nhiều lối thoát.

Đối tượng Huy thao tác lại việc làm tiền giả. Ảnh:CA

Khi có người muốn mua tiền, Huy yêu cầu phải chuyển tiền thật vào tài khoản cho Huy. Sau đó, Huy mới đem tiền giả với số lượng mà “khách” đặt hàng, cho vào bao nilon bỏ dưới cột điện, bãi rác rồi nhắn tin vị trí cho người mua đến lấy. Mọi giao dịch giữa Huy và khách hàng đều bằng tên giả. Giá giao dịch là 1 triệu tiền thật đổi lấy 3-4 triệu tiền giả. Có ngày, Huy tiêu thụ cả trăm triệu đồng tiền giả. Thế nhưng, hành vi của đối tượng cũng có ngày bị lật tẩy. Ngày 24/4/2019, Huy bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt khẩn cấp.

Các đối tượng sản xuất, buôn bán tiền giả dù tinh vi đến mấy cũng khó có thể qua mắt được cơ quan chức năng. Trước Huy, rất nhiều vụ sản xuất tiền giả bị phát hiện, các đối tượng đều phải trả giá cho hành vi của mình.

Trước đó tại tỉnh Bình Dương, 3 thanh niên sản xuất tiền giả để bán, chỉ trong 2 tháng nhóm sản xuất 240 triệu đồng. Theo báo Người Lao Động, ngày 28/11/2018, TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Duy Thanh (SN 1987; ngụ tỉnh Cà Mau) 12 năm tù, Nguyễn Long Bình (SN 1994; ngụ tỉnh An Giang) 10 năm tù, Sơn Hồng Võ (SN 1991; ngụ tỉnh Sóc Trăng) 8 năm tù, Đinh Vũ Linh (SN 1993; ngụ tỉnh Bến Tre) 4 năm tù, Đinh Văn Chiến (SN 1972; cha của Vũ Linh) 2 năm tù, Phan Bảo Duy (SN 1992; ngụ tỉnh Cà Mau) 4 năm tù và Phan Văn Thạnh (SN 1984; ngụ tỉnh Kiên Giang) 2 năm tù, cùng về tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả".

Mới đây, một trường hợp khác liên quan đến việc sản xuất tiền giả đã phải trả giá trước pháp luật là Lâm Thị Phương Thảo (SN 1983, quê Trà Vinh). Đối tượng bị TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù về tội Tàng trữ tiền giả vào ngày 21/5/2020.

Mời quý độc giả đón đọc tuyến bài: Bí mật trong "công xưởng" in tiền giả trên Người Đưa Tin Pháp Luật vào 14h mỗi ngày.

Trúc Chi (T/H)