Đời sống

Bí mật rùng rợn ẩn chứa bên dưới hồ nước đẹp như tranh

Thoạt nhìn, hồ Kivu mang vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng. Nhưng ít ai ngờ, dưới mặt nước lại tiềm ẩn mối nguy hiểm rùng rợn khiến 2 triệu người có nguy cơ thiệt mạng.

Nằm trên biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda, hồ Kivu là một trong những hồ lớn ở châu Phi. 

Hồ Kivu thoát nước vào sông Ruzizi, sông này chảy về phía nam và đổ vào hồ Tanganyika. Cái tên "Kivu" có nghĩa là "hồ" trong tiếng Bantu.

Với diện tích mặt nước khoảng 2.700 km2, nằm ở độ cao hơn 1.400 m trên mực nước biển, hồ Kivu nằm trên một thung lũng đang dần bị tách ra, gây nên các hoạt động núi lửa trong khu vực và khiến nó đặc biệt sâu. Chiều sâu của hồ xấp xỉ 480 m, là hồ sâu thứ tám trên thế giới.

Hồ Kivu có các dãy núi hùng vĩ bao bọc, xung quanh là các thảm thực vật phát triển mạnh mẽ tạo nên vẻ đẹp thanh bình, như thơ như mộng. Tuy nhiên ít ai ngờ, dưới mặt nước hồ lại tiềm ẩn mối nguy hiểm rùng rợn.

Theo đó bên dưới lòng hồ chứa khoảng 55 tỷ m3 khí mêtan và một số loại khí nguy hiểm khác. Lượng khí khổng lồ này được ví như một quả bom khí độc không biết sẽ phát nổ lúc nào.

Trạm điện nổi trên hồ Kivu.

Vào tháng 5/2021, khi núi lửa Nyiragongo phun trào, các kỹ sư ở trạm điện nổi trên hồ Kivu không khỏi lo âu. Thứ khiến họ lo lắng hơn cả không phải là những đợt dung nham, động đất hay tro bụi mà chính là mặt hồ trong xanh dưới chân, nơi bắt đầu xuất hiện những đợt sóng vì rung chấn từ đợt phun trào.

Các hoạt động địa chất và núi lửa suốt hàng ngàn năm đã tích tụ một lượng lớn khí mêtan và CO2 dưới lòng hồ. Số khí ấy, nếu được giải phóng, đủ để tạo ra một cuộc hủy diệt kinh hoàng với các khu vực xung quanh, theo Francois Darchambeau - chuyên gia quản lý môi trường của công ty điện lực KivuWatt.

"Núi lửa có thể gây nên vụ nổ lớn, đưa khí độc khổng lồ lên mặt nước. Nó sẽ tạo ra những đám mây khí độc chết người, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng hàng triệu người sống xung quanh. Đó là lý do vì sao chúng tôi gọi đây là hồ sát nhân ", ông Francois Darchambeau nói với AFP.

Trên thế giới chỉ có 3 hồ nước như vậy còn tồn tại, bao gồm: Hồ Kivu, hồ Nyos và hồ Monoun ở tây bắc Cameroon. Vào những năm 1980 của thế kỷ trước, hai hồ nước Nyos và Monoun đều trải qua những đợt trào khí CO2. Trong đó, đợt phun trào hồ Nyos khiến hơn 1.700 người chết ngạt.

Nếu Kivu phun khí độc, hàng triệu người dân sống xung quanh hồ nước sẽ có nguy cơ thiệt mạng.

Tuy nhiên, các vụ phun trào ở Nyos và Monoun diễn ra tại vùng nông thôn hẻo lánh. Còn nếu Kivu phun khí độc, 2 triệu người dân sống xung quanh hồ nước sẽ có nguy cơ thiệt mạng.

Nỗi sợ hãi về hồ Kivu càng trở nên rõ ràng hơn khi núi lửa Nyiragongo bất ngờ hoạt động vào nửa đầu năm 2021. Lượng magma do nó phun trào khiến 32 người tử vong, phá hủy hàng trăm ngôi nhà, gây ra các đợt rung chấn đẩy sâu vào lòng đất và xuyên cả vào lòng hồ Kivu.

"Thực sự đáng sợ. Khi tần suất động đất gia tăng, chẳng ai nói trước được điều gì", một chuyên gia lên tiếng.

Phương án đóng cửa trạm điện và di tản người dân đã được tính đến. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ khu vực này sản xuất khoảng 30% lượng điện tiêu thụ mỗi năm cho đất nước Rwanda. Họ khai thác nguồn năng lượng từ chính lòng hồ Kivu. Vì vậy việc đóng cửa sẽ gây ra hậu quả rất lớn.

Nhiều năm qua, các công ty điện lực đã tiến hành lắp đặt và phát triển các trạm điện, lấy khí gas có trong hồ chuyển thành năng lượng với công suất ngày một lớn. Theo Martin Schmid, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Nước và Môi trường Thụy Sĩ, thời gian để khai thác được hết lượng khí gas khổng lồ tại Kivu sẽ phụ thuộc vào tốc độ chiết tách khí. "Nếu chỉ với KivuWatt, tôi nghĩ phải mất vài thế kỷ để thực sự giảm thiểu lượng mêtan trong hồ đến mức đáng kể".

Minh Hoa (t/h)