Tiêu điểm thế giới

Bí mật bất ngờ trong “kho” vũ khí Hamas dùng để tấn công Israel

Các tên lửa được Hamas sử dụng trong các cuộc tấn công từ Gaza trong những ngày qua sử dụng công nghệ quen thuộc nhưng cách sử dụng đã thay đổi.

Theo Washington Post, hàng trăm quả tên lửa do các nhóm chiến binh ở Dải Gaza tung về phía lãnh thổ Israel trong những ngày gần đây đều bị Israel đẩy lùi, nhưng một số quả đã rơi xuống các thành phố của Israel.

Hamas, nhóm Hồi giáo ở Dải Gaza đã bắn hơn 1.000 quả rocket và đạn cối vào Israel kể từ hôm thứ Hai.

Các cuộc tấn công của Hamas đã phá hủy ô tô và nhà cửa, khiến người Israel phải tranh giành nơi trú ẩn. Các nhà phân tích cho biết cuộc tấn công dường như nhằm đe dọa Israel bằng cách phô diễn kho vũ khí mở rộng của Hamas và thử nghiệm hệ thống Vòm Sắt của Israel.

Hamas có vũ khí gì?

Hamas, nhóm Hồi giáo ở Dải Gaza đã bắn hơn 1.000 quả rocket và đạn cối vào Israel kể từ hôm thứ Hai.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, các tên lửa được sử dụng trong các cuộc tấn công từ Gaza trong những ngày qua sử dụng công nghệ quen thuộc, bao gồm các tên lửa được bắn lần đầu tiên trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vào năm 2014. Tuy nhiên, cách tên lửa được sử dụng có thể đã thay đổi.

Uzi Rubin, một kỹ sư quốc phòng Israel, người từng đứng đầu Tổ chức Phòng thủ Tên lửa của Israel, cho biết: “Ấn tượng của tôi là tên lửa mà người Palestine sử dụng không khác về công nghệ nhưng khác về kích thước so với loại được sử dụng vào năm 2014, vũ khí có đầu đạn nặng hơn”.

Hôm thứ Năm, phát ngôn viên lực lượng Hamas, Abu Ubaidah thông báo rằng nhóm này đã sử dụng một tên lửa mới có tên “Ayyash 250” để tấn công gần Tel Aviv.

Các ước tính về quy mô kho vũ khí của Hamas rất khác nhau. Michael Herzog, một lữ đoàn trưởng đã nghỉ hưu trong Lực lượng Phòng vệ Israel ước tính rằng nhóm này có thể có 8.000 đến 10.000 quả đạn.

Một số nhà phân tích cho rằng, rất khó để biết chính xác số lượng kho vũ khí mà Hamas thu thập được là bao nhiêu, nhưng dường như chúng đã tăng lên. “Các kho vũ khí của Hamas lớn hơn năm 2014”, nhà phân tích cho biết, “mặc dù ngay cả khi trước đó kho vũ khí này đã đủ lớn”.

Dù Hamas dường như đang cố gắng bổ sung hệ thống dẫn đường chính xác cho tên lửa của mình nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã thành công.

Hamas cũng sử dụng các tên lửa điều khiển chống tăng (ATGM) chống lại quân đội Israel. Hamas vốn được biết tới với việc sử dụng rộng rãi súng cối. Lực lượng này cũng sở hữu tên lửa phòng không.

Bên cạnh đó, quân đội Israel tường thuật Hamas đã sử dụng các máy bay không người lái Kamikaze (cảm tử) từ Dải Gaza.

Những quả rocket được sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay chủ yếu được sản xuất tại địa phương, với tầm bắn 12 - 120km. Theo nhiều chuyên gia quân sự, hầu hết số rocket này là A-120. Chúng được đưa vào các bệ phóng được sản xuất tại địa phương, với 8 ống phóng mỗi bệ.

Các rocket S-40 - với tầm bắn 40km và phóng thông qua các bệ phóng 8 ống phóng - cũng được sử dụng. Những rocket này được lưu trữ trong các silo ngầm, được đưa xuống dưới cát để tránh máy bay do thám của Israel. Chúng sẽ được đưa ra khỏi các silo, đưa lên bệ phóng và bắn.

Lực lượng Hamas cũng sử dụng hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) lắp trên các xe tải và lực lượng này còn dùng nhiều pháo phản lực Katyusha (Ca-chiu-sa) thời Liên Xô - BM-21 Grad.

Các loại vũ khí đến từ đâu?

Nhiều loại vũ khí của Hamas có nguồn gốc từ nước ngoài như rocket Fajr-3 và Fajr-5 của Iran, M302 từ Syria. Ngoài ra, nhóm này cũng tự sản xuất rocket.

Mặc dù các chiến binh từng buôn lậu vũ khí qua biên giới Ai Cập, nhưng con đường đó hầu như đã bị phong tỏa kể từ khi Ai Cập trấn áp hoạt động này sau khi Tổng thống Abdel Fatah al-Sissi lên nắm quyền vào năm 2013.

Dù ngày càng khó kiếm được vũ khí lắp ráp hoàn chỉnh từ nước ngoài, nhưng các thủ lĩnh Hamas đã từng khoe trong một chương trình của Al Jazeera vào tháng 9 năm ngoái rằng họ đã tìm cách lén đưa tên lửa Fajr và đạn pháo chống hạm Kornet của Nga vào Gaza qua đường bộ và đường biển, al-Monitor đưa tin.

Hamas hiện sản xuất phần lớn vũ khí của mình tại các cơ sở ở Gaza bằng cách sử dụng các nguyên liệu tự chế và nhập lậu với bí quyết du nhập từ nhiều nơi.