Dân sinh

Bí mật hành trình 16 năm đi tìm chính mình của chàng trai trong hình hài cô gái

Từ nhỏ, Hoàng Nguyên trong thân hình của con gái đã cảm thấy bạn thân khác biệt. Đến khi 16 tuổi, Nguyên tự tin khẳng định mình là người chuyển giới nam.

Tự nhận mình là một Trans Guy (Trans Guy là những người sinh ra trong cơ thể nữ nhưng nhìn nhận bản thân là nam - PV) và công khai giới tính thật của mình cách đây 6 năm, Hoàng Nguyên (22 tuổi, Hà Nội) đã có những chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật về quá trình “đi tìm chính mình” của cậu.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hiện tại, tôi đang là một thợ bánh nghiệp dư và chủ yếu tự kinh doanh online.

Tôi là ai?

Quá trình định giới của tôi bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, chắc khoảng khi 4-5 tuổi. Khi ấy, tôi cảm thấy bản thân khác bạn bè cùng trang lứa nhưng lúc đó tôi còn quá bé để hiểu rõ mình là ai. 

Đến những năm cấp 2, khi internet phổ biến hơn, tôi mới được tiếp cận thông tin về LGBT (Cộng đồng những người có giới tính đặc biệt bao gồm đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, lưỡng tính, chuyển giới và những người đang trong giai đoạn tìm hiểu giới tính cho bản thân - PV). 

Bức ảnh Nguyên mặc váy vào năm 2013, trước khi công khai giới tính thật.

Thời gian đầu, tôi bị ngộ nhận bản thân là người đồng tính nữ vì không có cảm xúc với các bạn nam. Tôi chỉ thích mặc quần đùi áo cộc, chơi thể thao hoặc luôn khao khát được cởi trần đi bơi giống bố và anh trai. Đến cuối năm lớp 9, sau khi đọc rất nhiều tài liệu và kiến thức chuẩn về cộng đồng LGBT, tôi tự tin khẳng định mình là người chuyển giới nam.

Cuối năm lớp 10, khi gia đình có chút biến cố, tôi đã quyết định công khai. Người đầu tiên tôi chọn để nói chuyện là ông nội. Ông nội tôi là một người sống cực kỳ hiện đại, tôi nghĩ ông sẽ thấu hiểu và thông cảm cho tôi và đó là sự lựa chọn cực kỳ đúng đắn. 

Khoảnh khắc đầu tiên khi nghe cháu nội nói, ông chỉ khóc, lo xã hội khó chấp nhận. Ông dặn tôi đã xác định bản thân như thế thì hãy sống thật tốt.

Thời điểm đó, mẹ tôi đang phải chịu đựng rất nhiều tổn thương nên tôi thật sự không dám đối mặt với mẹ để tâm sự những điều này. Tôi đã nhờ ông nói chuyện với mẹ. 

Phản ứng đầu tiên của mẹ tôi là muốn tôi vào viện khám. Bà nghĩ tôi bị bệnh.Vô cùng may mắn là lúc ấy bác sĩ đã tư vấn rất nhiệt tình và giúp mẹ tôi hiểu hơn về cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng.

Sau thời gian ngắn được sự giúp đỡ của bác sĩ, tôi đã đưa mẹ tham dự các buổi gặp mặt tại PFLAGVN (Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam) để mẹ có nhiều sự đồng cảm hơn với hoàn cảnh của tôi.

Sinh ra một đứa con khỏe mạnh bình thường về mặt tâm sinh lý, tôi biết là rất khó để mẹ cũng như mọi người dễ dàng chấp nhận sự thay đổi của tôi trong ngày 1 ngày 2.

Vậy nên, trước khi quyết định công khai, tôi đã tự chuẩn bị tâm lý rằng đây sẽ như cuộc chiến trường kỳ và mình không được bỏ cuộc. Đến nay, gần 7 năm tôi come out, gia đình cũng đã quen với việc nhà có "hai thằng con trai”.

Gia đình Nguyên đã quen với việc nhà có "hai thằng con trai".

 

Và những lần tìm đến cái chết

Thế nhưng, để được như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua quá nhiều khó khăn, cũng chẳng biết phải bắt đầu kể từ đâu. 

Thời gian trước khi ông nội mất, tôi có vài vấn đề với gia đình và không thể giải quyết được nó, công việc lúc đó cũng áp lực, những bức bối về giới, chuyện chia tay người yêu... 

Mọi chuyện đổ dồn vào một lúc khiến tôi không chịu nổi và tôi đã uống gần hết 2 vỉ thuốc ngủ. Lần đó, tôi được đưa vào viện rửa ruột và trong lúc mơ màng, bên tai tôi văng vẳng tiếng của người thân trách móc mình bồng bột, không biết nghĩ… Tôi nhận rất nhiều lời trách móc mà không ai hỏi xem tôi có chuyện gì. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ là khi về nhà mình sẽ cố gắng tự tử tiếp.

Về nhà được 1-2 tuần, ông nội mất, tôi hụt hẫng vô cùng. Ông nội là người che chở tôi trước mọi lời dèm pha, ác ý của họ hàng cũng như người ngoài. Việc mất đi chỗ dựa tinh thần làm tôi như rơi xuống vực thẳm vậy. Tôi đã từng cố gắng tự tử một lần nữa sau khi ông mất. 

Hành trình được là chính mình

Tháng 8/2019, tôi đã sử dụng hormone nam. Trước khi quyết định tiêm, tôi đã phải chuẩn bị kinh tế dư dả hơn so với chi phí sử dụng thuốc để đề phòng những thay đổi không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc. 

Nguyên đang sử dụng hormone được hơn 1 năm.

Trước khi sử dụng hormone, tôi sẽ phải kiểm tra sức khỏe tổng quát để xem đủ điều kiện không. Nếu khỏe và đáp ứng được sự thay đổi từ thuốc thì mới nên sử dụng. 

Những người chuyển giới không nhất thiết phải sử dụng hormone hay phẫu thuật thì mới được gọi là người chuyển giới. Không phải ai cũng có đầy đủ điều kiện (về sức khỏe và kinh tế) hoặc nhu cầu sử dụng hormone, phẫu thuật đầy đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là cảm nhận và khát khao của mỗi người.

Tôi hiện tiêm 3 tuần/mũi, chi phí khoảng 150.000-200.000 đồng/lần.

Sau khi tiêm hormone sự thay đổi ở mỗi người mỗi khác, với tôi, sau mũi tiêm thứ 3, dừng kinh nguyệt. Sau mũi thứ 7-8, giọng trở nên trầm hơn, lông phát triển, cằm góc cạnh, mặt mụn, da dầu hơn, giống như dậy thì lần 2.

Cứ sau 3 tháng, tôi sẽ đi kiểm tra lượng hormone trong cơ thể để điều chỉnh liều lượng tiêm, loại thuốc.

Có thời điểm, tôi tăng tới 10 kg trong một tháng. Lượng mỡ trên cơ thể phân bổ lại, dồn nhiều về bụng, vòng 3, cơ bắp phát triển nên tôi dành thời gian đi tập gym, chơi thể thao để săn chắc hơn.

Không ít người chuyển giới nam sau khi tiêm hormone một thời gian đã có kinh nguyệt trở lại, phải vào viện kiểm tra. Ngoài ra, việc tiêm hormone còn có tác dụng phụ là ảnh hưởng tới buồng trứng.

Trước khi tiêm, tôi được tư vấn trữ đông trứng để sau này có con, vì việc tiêm hormone làm chất lượng trứng giảm. Về lâu dài, người tiêm cũng có thể mắc một số bệnh như u nang buồng trứng. Mọi người chia sẻ sau khi tiêm hormone khoảng 5-6 năm nên cắt bỏ tử cung, buồng trứng. Hiện tại, tôi chưa tiến hành bất cứ can thiệp y tế nào. 

"Làm bố" ở tuổi 21

Sau khi ông nội mất khoảng nửa tháng, “con gái” bước vào cuộc sống của tôi. Nói chính xác thì con bé là cháu ruột - con anh trai. Nhưng tôi biết mẹ luôn lo lắng việc mình sử dụng hormone sẽ khiến tôi vô sinh nên mẹ đã ngầm giao ước với mọi người trong gia đình rằng ngày con bé chào đời tôi sẽ là “bố Nguyên” của nó. Khoảnh khắc lần đầu bế con trên tay, tôi cảm giác mọi thứ đã bắt đầu thay đổi.

"Con gái" là người gắn kết Nguyên với mọi người trong gia đình.

Giai đoạn đó, tôi và gia đình có nhiều cản trở về mặt giao tiếp với nhau, sự xuất hiện của mặt trời bé con đã xoa dịu tất cả. Nhiều người nói với tôi “cháu là cháu, bao giờ tự đẻ thì đấy mới là con mình”. 

Với một người chuyển giới như tôi, đó là một sự đả kích về mặt tinh thần cực kì lớn. Tôi lại bị rơi vào trạng thái tiêu cực trong khoảng thời gian dài. Nhưng mỗi ngày đi làm về, thấy con ăn uống vui chơi, khỏe mạnh bao nhiêu suy nghĩ buồn lo lại bay đi hết. 

Sau đó, tôi quyết định mặc kệ miệng lưỡi thiên hạ, tập trung đi làm, có lương thì mua quà cho con. Với tôi, chuyện có phải là con ruột hay không không là vấn đề quan trọng.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ có con theo cách ấy, mọi thứ vô cùng bất ngờ. Nhưng sự xuất hiện của con như một thiên thần bước tới để giữ chân tôi ở lại thế giới này vậy.

Nguyên mong muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người.

Hiện tại, người chuyển giới từ nam sang nữ được biết tới nhiều hơn nhớ các gương mặt nổi tiếng như Hoa hậu Hương Giang, ca sĩ Lâm Khánh Chi, ca sĩ Lynk Lee. Ngược lại, người chuyển giới nữ sang nam dường như bị lãng quên. Bởi vậy, tôi muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người.

Tôi muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Tôi mong muốn mọi người biết đến sự tồn tại của người chuyển giới nam.

Phong Linh (Ảnh: NVCC)

>>>Xem thêm: Bí mật về người chuyển giới: Hành trình "cãi mụ" của chàng trai 9X