Sự kiện

Bị kỷ luật, vì sao ĐBQH Phạm Phú Quốc vẫn được bổ nhiệm chức vụ mới?

Trong buổi họp báo vào chiều 1/9 về trường hợp ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, báo chí nêu vấn đề, vì sao vẫn bổ nhiệm chức vụ mới cho ông này trong khi đang bị kỷ luật?

Cụ thể, khoảng 2018 – 2019, ông Phạm Phú Quốc bị kỷ luật vì sai phạm khi giữ chức Tổng Giám đốc công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM.

Nhưng sau đó lại được điều chuyển về công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp Tân Thuận, tiếp tục làm Tổng Giám đốc.

Đưa ra câu trả lời, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM cho biết: “Với những trường hợp bị khiển trách, quy định không cho phép bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn ở đơn vị đó. Thực ra, việc luân chuyển ông Quốc về đơn vị khác xuất phát yêu cầu về công tác cán bộ của TP.HCM”.

Trước nghi ngờ về đường “quan lộ thần tốc” của ông Quốc, đại diện sở Nội vụ trình bày, quy trình bổ nhiệm cán bộ có 5 bước, theo phương châm dân chủ, công khai, tập thể.

Theo đó, ông Phạm Phú Quốc là tiêu chuẩn cán bộ Thành ủy quản lý; có trình độ là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh; có thời gian làm lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước nhiều năm nên tất cả đều đúng quy trình.

“Về vấn đề có 2 quốc tịch, nếu xét theo quy định của luật Cán bộ, công chức là chưa đúng. Nhưng nếu quy theo tiêu chuẩn ĐBQH trong thời gian trước đây thì không có quy định ĐBQH chỉ duy nhất có quốc tịch Việt Nam.

Chính vì vậy, luật Tổ chức Quốc hội 2014 ( có hiệu lực vào năm 2021) đã bổ sung quy định, yêu cầu ĐBQH chỉ có duy nhất một quốc tịch Việt Nam”, ông Tân phân tích.

Ông Phạm Phú Quốc (bên trái) nhận quyết định điều động về công tác tại công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận vào cuối năm 2019.

Đánh giá chung, ông Từ Lương, Phó Giám đốc sở Thông Tin - Truyền thông TP.HCM thông báo, tinh thần của UBND TP.HCM là xem xét vụ việc này xuyên suốt công khai, minh bạch, không né tránh, không bao che cho cán bộ.

“Những ngày tới, sau khi các cơ quan chức năng của TP.HCM xác minh xong, thẩm tra lại toàn bị vụ việc và căn cứ trên bản giải trình của ông Phạm Phú Quốc, Thành phố có những xử lý cụ thể và cung cấp bằng văn bản cho báo chí được rõ hơn”, ông Từ Lương nói.

Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.

Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, Tổng Giám đốc công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.

Ngày 4/12/2019, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP.HCM bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.