Giáo dục

Bí kíp đặt nguyện vọng giúp tăng tỉ lệ trúng tuyển

Các thí sinh cần có những tính toán kỹ lưỡng trong việc đăng ký nguyện vọng, tránh trường hợp có điểm số cao nhưng vẫn trượt đại học.

Năm nay, việc nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT ngay trong thời gian đăng ký nguyện vọng vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, tuy nhiên cũng khiến nhiều em hoang  mang trong việc cân nhắc trong lựa chọn ngành nghề. Đặc biệt lo lắng mình rơi vào trường hợp dù đạt 9 điểm/môn vẫn trượt đại học.

Chia sẻ bí kíp để đỗ vào ngành yêu thích nhất nhưng giảm rủi ro, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Ngoại thương bày tỏ: “Thí sinh cần có tính toán trong việc đặt nguyện vọng. Nguyên tắc đầu tiên cần chọn ngành, vì ngành quyết định nghề nghiệp, sau đó là chọn trường”

Các em cần xác định rõ ngành mình mong muốn, chọn ngôi trường phù hợp với phong cách sống, điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình, “Sau khi chọn được ngành, nên chi nguyện vọng thành 3 nhóm, nhóm đầu là nhóm ngành có cơ hội đỗ cao nhất, nhóm 2 ngành yêu thích nhưng cơ hội đỗ thấp hơn, nhóm cuối là những ngành rất yêu thích nhưng khả năng đỗ thấp nhất”, cô Hiền đưa ra lời khuyên.

Các sĩ tử lưu ý cần có nhóm an toàn, theo cô Hiền, việc điểm cao nhưng không đỗ đại học là việc rất khó có thể xảy ra, nguyên nhân là do thí sinh không đăng ký những nguyện vọng an toàn.

Phổ điểm của năm nay không có nhiều đột biến.

Tránh chọn trường theo số đông

Bên cạnh đó, qua quá trình tư vấn, nhiều thí sinh và gia đình chưa thực sự hiểu rõ về các ngành đào tạo, PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết: “Các em nên tìm hiểu về ngành theo học, ngành kinh tế được nhiều em quan tâm nhưng lại thường lựa chọn sai. Mặc dù đều là nhóm kinh tế nhưng có nhóm ngành nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi và nhóm kinh doanh, quản lý. Cần phân biệt rõ hai khái niệm tránh nhầm lẫn trong quá trình cân nhắc”.

Trong việc lựa chọn trường, học sinh nên tham khảo những công bố tỉ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp, những trường tỉ lệ cao phản ánh sinh viên rất sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, nên các em có thể căn cứ vào đó để chọn lựa.

Thuộc nhóm ngành được nhiều thí quan tâm, trao đổi với Người Đưa tin, TS.Tạ Quang Chiểu, Phó trưởng Khoa công nghệ thông tin, Đại học Thủy lợi đánh giá: “Ngành công nghệ thông tin là lĩnh vực đang có nhu cầu lớn nên có nhiều thí sinh đăng ký. Chính vì vậy điểm ở ngành này sẽ rất cao ở tất cả các trường, những thí sinh nào chỉ đăng ký 1 ngành ở các cơ sở đào tạo khác nhau với ngành này sẽ dễ trượt tất cả nguyện vọng”.

Theo thầy Chiểu, những thí sinh đã hiểu rõ ngành sẽ trực tiếp đăng ký vào ngành liên quan như an ninh mạng, kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo,…người chưa hiểu sâu về ngành nghề sẽ đăng ký ngành công nghệ thông tin vì đây là ngành phổ biến.

Thí sinh cần cân nhắc kỹ trong quá trình chọn ngành.

“Nếu không có điểm số cao, các em nên nhóm ngành công nghệ thông tin như vậy sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn, ngoài ra trong quá trình đào tạo các ngành này đều học những kiến thức cơ sở về công nghệ thông tin”, thầy Chiểu bày tỏ.

Đối với những nhóm ngành mới mở, TS.Nguyễn Thị Cúc Phương, Hiệu phó trường Đại học Hà Nội cho biết: “Ngoài những ngành truyền thống, các trường sẽ có những nhóm ngành mới phù hợp với xu hướng hiện nay. Như trường chúng tôi không chỉ tập trung về ngôn ngữ mà ngoài ra còn 14 ngành khác phục vụ đào tạo quản lý, kinh tế, công nghệ thông tin, truyền thông dạy bằng ngoại ngữ. Vì vậy, các em có thể có nhiều chọn lựa nghề nghiệp.

Theo quy luật những ngành mới mở ở năm đầu tiên điểm chuẩn thường thấp vì mọi người chưa biết đến nhiều nhưng sang năm thứ 2 điểm chuẩn sẽ tăng vọt và cao dần hằng năm”.

Ngoài ra, căn cứ như phổ điểm năm nay, cô Phương đánh giá điểm chuẩn sẽ không đăng đột biến như kỳ thi trước.

Theo quy định Thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký NV trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).