Xã hội

Bí kíp "ăn điểm" môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đang đến rất gần. Dưới đây là một số lời khuyên giúp sĩ tử ôn tập và làm bài thi môn Toán một cách hiệu quả trong giai đoạn nước rút.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra 2 đợt, đợt 1 từ ngày 7- 8/7/2021. Với kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện cho học sinh, thầy Lê Bá Trần Phương, giáo viên môn Toán thuộc Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã chia sẻ một số lời khuyên hữu ích giúp các thí sinh ôn tập và làm bài thi môn Toán đạt điểm cao.

Theo thầy Lê Bá Trần Phương, các em học sinh cần nắm chắc lý thuyết để giải nhanh 35 câu hỏi đầu tiên. Dựa vào cấu trúc của đề tham khảo môn Toán kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 do bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đề thi sẽ gồm 50 câu trắc nghiệm. Trong đó, khoảng 35 câu hỏi đầu tiên ở mức độ cơ bản và 15 câu sau có độ khó tăng dần nhằm mục đích phân loại học sinh.

Đề thi sẽ có khoảng 9 điểm thuộc về kiến thức lớp 12 và 1 điểm dành cho phần kiến thức lớp 11. Với phần kiến thức lớp 12, nội dung câu hỏi được bao phủ toàn bộ trong sách giáo khoa, phần kiến thức lớp 11 chỉ tập trung vào các phần cơ bản là cấp số cộng, cấp số nhân, xác suất, tính góc, tính khoảng cách.

Theo kinh nghiệm luyện thi của thầy Phương, chỉ cần học chắc lý thuyết, chương trình cơ bản trên lớp là học sinh có thể hoàn thành được 35-38 câu hỏi đầu tiên trong khoảng 50 phút.

Các câu còn lại, học sinh cần chú trọng bao gồm một số dạng toán về hàm chứa giá trị tuyệt đối và hàm hợp (liên quan đến cực trị, tính đơn điệu,...); bài toán chứa tham số liên quan đến phương trình-bất phương trình mũ và logarit; bài toán liên quan đến min-max mođun số phức; bài toán cực trị hình Oxyz…

Các câu hỏi khó cũng có xu hướng tích hợp, lồng ghép từ 2 đến 3 nội dung kiến thức. Vì vậy, học sinh phải biết huy động, tổng hợp, xâu chuỗi kiến thức và có tư duy tốt thì mới tìm ra câu trả lời.

Để làm bài hiệu quả, thầy Phương khuyên nên làm tuần tự các câu hỏi từ đầu đến cuối đề thi do các câu hỏi đã được sắp xếp sẵn theo thứ tự tăng dần về độ khó. Gặp câu khó chưa làm được, thí sinh có thể tạm thời bỏ qua, làm câu tiếp theo nhưng cần đánh dấu ra giấy nháp để tránh bỏ sót. Sau khi làm hết các câu dễ mới quay lại giải quyết các câu khó.

Lưu ý, có những câu hỏi không cần giải chi tiết, chỉ cần loại trừ các phương án nhiễu là có thể tìm ra đáp án đúng. Tuy nhiên trong đề thi, số lượng câu hỏi có thể áp dụng phương pháp loại trừ không nhiều, do đó học sinh cần chú ý quan sát để có phương pháp làm bài nhanh và hiệu quả. Đặc biệt vì đây là bài thi trắc nghiệm nên thí sinh tuyệt đối không bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào trong đề thi.

Bên cạnh đó thầy Lê Bá Trần Phương cũng chỉ ra 4 lỗi sai học sinh thường gặp phải trong đề thi và cách khắc phục.

-Lỗi sai thứ nhất là không đọc kỹ đề nên hiểu sai nội dung hoặc nhầm giả thiết đề bài đưa ra. Để khắc phục, trước khi làm bài, các em phải đọc kỹ đề để biết rõ đề bài cung cấp những thông tin gì và yêu cầu như thế nào, từ đó xác định hướng giải quyết vấn đề đã đặt ra.

-Lỗi sai thứ hai là không nhớ hoặc nhớ sai công thức dẫn đến áp dụng sai và không tìm ra được phương án chính xác. Để khắc phục lỗi này, học sinh cần hệ thống lại toàn bộ công thức. Đối với những công thức còn chưa chắc chắn và hay bị nhầm lẫn, các em hãy rà soát, ghi riêng lại và có biện pháp ghi nhớ bổ sung thật kỹ trước khi bước vào kỳ thi.

-Lỗi thứ ba là lỗi tính toán chưa chuẩn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều học sinh lười tính toán, lạm dụng máy tính cầm tay. Do đó, khi gặp những câu hỏi có chứa tham số, đòi hỏi phải có động tác tính tay phụ trợ thì các em rất dễ tính sai. Cách khắc phục là tăng cường luyện tập các bài toán đòi hỏi phải tính toán tay hoặc bài toán có chứa tham số để nhằm nâng cao tư duy và trau dồi kỹ năng tính toán thành thạo. Sau khi giải xong mỗi bài tập, thí sinh cũng cần phải tính toán lại một lần nữa để kiểm tra độ chính xác của đáp án.

-Lỗi thứ tư là lỗi do tâm lý trong phòng thi không ổn định. Để hạn điều này, từ nay cho đến ngày thi, học sinh cần xây dựng chế độ ôn luyện khoa học, chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe tinh thần và trí óc. Khi đến ngày thi, các em nên giữ cho mình một tâm trạng vui vẻ, bình tĩnh. Trong phòng thi, thí sinh nên cố gắng tập trung làm bài, tin tưởng vào bản thân. Đặc biệt, các em đừng quá quan tâm đến những yếu tố xung quanh như thí sinh khác đang làm gì và phải xem thời gian làm bài để tránh việc bị áp lực hoặc phân tâm.

Ngoài những lời khuyên của thầy Lê Bá Trần Phương, thủ khoa khối A các năm cũng chia sẻ bí quyết để đạt điểm cao ở bài thi môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh nên tránh những lỗi sai thường gặp để tránh mất "điểm oan" với bài thi môn Toán. (Ảnh minh họa).

Em Nguyễn Trung Hải - Thủ khoa khối A năm 2020 với tổng điểm 29,75 (trong đó có 2 điểm 10 môn Toán và Hóa học, môn Vật lý đạt 9,75 điểm) cho rằng đối với môn Toán, phần dễ mất điểm nhất là đọc đề bài không kĩ dẫn đến hiểu sai đề bài, nhìn sai số liệu. Tiếp đến là việc quá phụ thuộc vào kết quả xấp xỉ máy tính cầm tay nên chủ quan và dễ bị đánh lừa bởi các đáp án nhiễu.

Theo thủ khoa khối A năm 2020, các thí sinh nên chuẩn bị một tâm lí vững vàng trước khi làm bài, cần đọc kĩ đề, không lạm dụng máy tính. Theo Hải, “Với các câu đã xác định được đáp án ưu tiên song còn lưỡng lự, hoặc các đáp án đúng, thí sinh nên khoanh vào đề thi và đánh dấu hờ vào tờ đáp án để cuối giờ khi quay trở lại xử lý thì không mất thời gian phân tích lại các đáp án và tránh việc tô sai lẫn”.

Trong thời gian ôn tập, việc học chắc kiến thức, xây dựng tư duy giải quyết vấn đề là điều quan trọng nhất, tránh ôn tủ, học mẹo bởi đề thi có thể kiểm tra bất kỳ kiến thức, kỹ năng nào.

Tương tự, Trần Quỳnh Trang - Thủ khoa khối A1 năm 2019 với tổng điểm 28,9 (Toán 9,4, Vật lý 9,5 và Tiếng Anh 10) cho hay, để không "mất oan" điểm ở bài thi môn Toán thí sinh cần lưu ý một số lỗi thường gặp như: Đọc vội vàng dẫn đến hiểu sai đề, hoặc khoanh sai đáp án; Tính toán không cẩn thận, đặc biệt là khi gõ máy tính, nhập sai dữ liệu làm cho đáp án bị lệch, gây mất thời gian cũng như mất bình tĩnh trong phòng thi; Lướt qua đề thấy lạ và bỏ qua trong khi thực ra có thể làm được và rồi lại bị dẫn vào một bài khác nhìn dễ mà hóa ra khó, vừa tốn thời gian vừa hoang mang.

“Chính vì thế, thí sinh cần lưu ý đọc kĩ đề bài và tất cả các đáp án đề cho để tránh sai sót không đáng có, xem xét từng bài để nắm rõ mức độ khó, dễ đối với bản thân. Đặc biệt cần tập trung cao độ, chú ý đáp án mình tô trong phiếu đáp án”, thủ khoa khối A1 năm 2019 chia sẻ kinh nghiệm.

“Cá nhân mình thấy rất cần thiết khi dành ra 5-10 phút cuối giờ để rà soát lại toàn bộ những câu đã làm, xem liệu có bị tô nhầm hay tô mờ đáp án, hay có bị nhầm lẫn ở phần thông hiểu hay nhận biết không”, Trang chia sẻ thêm.

Giai đoạn “nước rút” này, theo Trang, các thí sinh cần giữ cho bản thân thoải mái và bình tĩnh:"Hàng ngày, các bạn có thể xem lại một chút kiến thức về lý thuyết cho từng môn, lên kế hoạch làm một bộ đề các môn trong tổ hợp. Và cuối cùng, cần nhớ giữ một cái đầu lạnh cho kỳ thi quan trọng sắp tới".

Minh Hoa (t/h theo Vietnamplus, VietNamNet)