Dân sinh

Bi kịch lao động xuất khẩu “chui”: Hé lộ chiêu trò dụ dỗ ngon ngọt của môi giới

Để dụ dỗ người lao động đi xuất khẩu, những đối tượng môi giới đã dựng lên một kịch bản vô cùng thu hút với công việc thường xuyên, lương cao, thủ tục đơn giản khiến cho nhiều người dân ở Nghệ An bị mắc lừa, đi theo con đường xuất khẩu trái phép.

Hơn 400 nạn nhân sập bẫy

Khoảng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở thành con đường xóa đói giảm nghèo lý tưởng của nhiều gia đình khó khăn ở nông thôn, miền núi tỉnh Nghệ An. Việc đi XKLĐ đã giúp nhiều gia đình có của ăn của để, thậm chí còn khiến một số người bứt phá trở nên giàu có, thành ông chủ tại những cơ sở nhỏ khi trở về quê nhà.

Điều đáng tiếc, không phải người lao động nào cũng sẵn sàng bỏ ra một số kinh phí lớn để được XKLĐ theo con đường chính ngạch. Thay vào đó, họ tìm đến những người môi giới, những “cò” để được ra nước ngoài làm việc bằng con đường xuất cảnh trái phép. Thế nhưng đó cũng là lúc họ bị sập bẫy của những kẻ lừa đảo này.

Đối tượng chủ mưu Lê Duy Anh. Ảnh Xuân Bắc.

Vào tháng 3/2019, phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận nhiều đơn thư tố giác tội phạm của người dân trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tất cả những lá đơn này đều tố cáo một số đối tượng ở Nghệ An và Hà Nội có hành vi nhận hồ sơ, thu tiền để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang nước Úc, nhưng chờ đợi trong nhiều năm vẫn không đi được.

Qua quá trình xác minh, thấy việc tố cáo có cơ sở nên phòng An ninh điều tra lập tức vào cuộc xác minh, làm rõ. Sau nhiều tháng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã làm rõ đối tượng đóng vai trò chủ mưu, bàn bạc, dàn xếp với các đối tượng ở Nghệ An để cùng tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.

Theo hồ sơ, năm 2003 đến năm 2011, Lê Duy Anh đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, nên rất am hiểu hồ sơ, thủ tục để đưa người đi xuất khẩu lao động. Năm 2015, Lê Duy Anh trở về là giám đốc một trung tâm tư vấn du học ở Hà Nội. Trong quá trình tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thì Lê Duy Anh tự "nổ" là Giám đốc một công ty trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một đối tác của công ty ở Úc đang cần nhiều người Việt Nam để lao động.

Nhiều người là nạn nhân của vụ việc. Ảnh Khánh An.

Là người từng đi xuất khẩu nên Lê Duy Anh nắm rất rõ tâm lý của người lao động. Vì vậy, thủ đoạn của y là hứa hẹn với nhiều người sẽ có việc nhẹ, lương cao ở nước ngoài, kèm với đó là thủ tục đơn giản để xuất cảnh. Theo đó, người lao động chỉ cần tự làm các giấy tờ về khám sức khỏe, bằng tốt nghiệp THPT và đặc biệt là chi phí vô cùng thấp, chỉ khoảng 20.000USD đến 25.000USD/người.

Để tạo thêm lòng tin tưởng cho người lao động, các đối tượng sau khi nhận tiền đều viết giấy xác nhận, giấy cam kết hoàn trả toàn bộ số tiền nếu người lao động không xuất cảnh sang nước Úc thành công. Ngoài ra, các đối tượng còn đưa ra nhiều lời hoa mỹ rằng đi Úc còn có nhiều đãi ngộ lớn, thời gian xuất cảnh nhanh chóng, thời hạn lao động là 2 năm (gia hạn 1 năm) mức lương cao từ 80 đến 100 triệu đồng/tháng tùy theo sản phẩm làm ra.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An thông báo cho nhân dân biết ai đã từng nộp tiền, hồ sơ cho các bị can trên để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động qua Úc thì đến đơn vị để giải quyết. Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ra thông báo này, nếu các tổ chức, cá nhân không đến liên hệ làm việc thì Cơ quan An ninh điều tra sẽ xử lý theo quy định. Địa chỉ Cơ quan An ninh điều tra: cầu vượt Quán Bánh, đường Nghệ An - Xiêng Khoảng, xóm 2, xã Nghi Phú, TP.Vinh. Gặp Thiếu tá Phan Xuân Hùng, điều tra viên, số điện thoại 0915.120.981 hoặc 0975.515.343

Với thủ đoạn hấp dẫn như trên, nên đã có hàng trăm người lao động tin theo. Từ cuối 2015 đến đầu 2019, các đối tượng trên đã tuyển được hơn 400 lao động nộp hồ sơ, nộp tiền để xuất cảnh đi Úc lao động. Số lao động này đến từ hầu khắp cả nước, nhưng chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Các lao động này đã nộp cho các đối tượng số tiền hàng chục tỉ đồng, nhưng đến nay chưa một lao động nào được sang Úc. Nhiều gia đình phải vay nóng, cắm bìa đỏ với hi vọng sớm sang Úc làm việc. Thế nhưng, đến nay giấc mơ đó hoàn toàn tan vỡ, thậm chí còn phải gánh một số tiền lãi không hề nhỏ.

Hiện, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Lê Duy Anh về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. 3 đồng phạm với Lê Duy Anh cũng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Trần Thị Thành về tội Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài; Hồ Thị Hằng và Trần Thị Hà về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Cán bộ xã cũng bị lừa đi xuất khẩu

Một vụ lừa đảo chấn động ở Nghệ An cách đây 5 năm khiến cho nhiều gia đình tan vỡ hiện nay nhiều người vẫn chưa thể quên. Điều đáng nói, trong hàng trăm nạn nhân thì còn có cả Phó Chủ tịch UBND xã và trưởng Công an xã.

Theo hồ sơ, đầu tháng 3/2014, Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân về việc một số đối tượng lạ mặt lừa đảo, tự xưng là cán bộ Thanh tra Chính phủ trực tiếp về các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương và Tân Kỳ để tuyển người đi XKLĐ ở các nước Hàn Quốc, Canada với mức lương cao.

Giáp Văn Trung và đồng bọn trong đường dây.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Yên Thành đã tóm gọn kẻ cầm đầu là Giáp Văn Trung (SN 1978) trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và đồng bọn đang thực hiện hành vi lừa đảo đi XKLĐ. Các đối tượng đã làm giả nhiều giấy tờ, hồ sơ có chữ ký, con dấu của Hàn Quốc, Canada… Chúng vẽ ra viễn cảnh đi XKLĐ không cần phải có bằng cấp, thủ tục nhanh gọn, lương cao. Mỗi suất đi chỉ khoảng 8.000 USD cộng 14 triệu VNĐ/suất đi Canada và 12.000 USD/suất đi Hàn Quốc.

Nắm bắt được tâm lý những người nông dân nghèo muốn đổi đời, tìm kiếm vận may bằng con đường xuất ngoại nên chúng đã về những vùng quê nghèo để lừa đảo. Chúng yêu cầu người lao động phải nộp 10.000 USD gọi là đặt cọc và hứa sau khi hết thời gian lao động trở về nước sẽ hoàn trả lại. Thậm chí, để lòe người dân, Trung và đồng bọn còn mượn hội trường của xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, giả danh cán bộ Thanh tra Chính phủ để tuyên truyền nội quy cho người lao động sang Hàn Quốc.

Theo công văn chính thức được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2019, Nghệ An có tới 9 huyện, thành, thị bị “cấm” xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Gồm: huyện Nghi Lộc, TX.Cửa Lò, huyện Nam Đàn, TP.Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Thanh Chương, huyện Yên Thành, huyện Diễn Châu, huyện Đô Lương.

Tuy nhiên, tất cả những người lao động này đều không thể đi nước ngoài như lời hứa. Qua điều tra, có tổng 38 người đã viết đơn tố cáo các đối tượng chiếm đoạt hơn 7 tỉ đồng, một số tiền không hề nhỏ vào thời điểm đó. Điều đau lòng, hậu quả của vụ việc còn kéo dài đến thời điểm hiện nay. Nhiều gia đình đã phải bán nhà, trốn chạy vào miền Nam vì không trả được tiền lãi khi vay mượn để đi XKLĐ.

Theo phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An, cái khó trong việc đối phó với các đối tượng đưa người đi nước ngoài trái phép là khi thu tiền của người lao động không có biên nhận hoặc chỉ làm giấy biên nhận phản ánh nội dung không rõ ràng, viết sơ sài, có tính chất đối phó đề phòng hậu quả sau này. Do vậy, cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu có giá trị pháp lý.