Góc nhìn luật gia

Bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú có đồng nghĩa với việc cấm xuất cảnh? 

Sau khi nguyên Giám đốc sở Tài chính TP.HCM bị khởi tố, bà này đã bỏ trốn. Từ những trường hợp bị khởi tố rồi bỏ trốn, thậm chí xuất cảnh, dư luận băn khoăn về quy định quản lý các đối tượng này ra sao?

Mới đây, cơ quan CSĐT bộ Công an ra quyết định truy nã đối với bà Đào Thị Hương Lan (SN 1960), nguyên Giám đốc sở Tài chính TP.HCM.

Trước đó, bà Lan bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố, bà Lan đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Ngoài vụ việc của bà Lan, cũng có nhiều trường hợp khác, mặc dù đã bị khởi tố bị can nhưng vẫn bỏ trốn khỏi nơi cư trú, hoặc thậm chí xuất cảnh trốn đi nước ngoài. Bởi vậy, dư luận băn khoăn về quy định quản lý các đối tượng này ra sao? Khi bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú thì có đồng nghĩa với việc cấm xuất cảnh hay không?

Xung quanh vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc, các đối tượng bị khởi tố hoặc đang trong quá trình điều tra thì phải được theo dõi chặt chẽ.

Ông Thanh phân tích: “Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh là các biện pháp ngăn chặn được áp dụng khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Đây là hai biện pháp riêng rẽ, độc lập nên khi áp dụng biện pháp này không đồng nghĩa với việc phải áp dụng biện pháp kia”.

Sau khi bị khởi tố bị can, bà Đào Thị Hương Lan (ảnh trái) đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Còn Vũ "nhôm" (ảnh phải) đã tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài khi biết cơ quan công an đang vào cuộc điều tra vụ án có liên quan đến mình.   

Vị luật sư dẫn chứng về luật: “Đối với việc tạm hoãn xuất cảnh, Điều 124 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định:

  1. Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn: a) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; b) Bị can, bị cáo.
  2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành”.

Vị luật sư nhấn mạnh: “Như vậy, theo quy định nêu trên thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp có quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh.

Tuy nhiên, điều luật quy định là “có thể tạm hoãn xuất cảnh”, nghĩa là không bắt buộc phải tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, nếu áp dụng điều luật này, những người có thẩm quyền tùy thuộc vào tình hình hoặc tùy thuộc vào quan điểm mà quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Luật sư Giang Hồng Thanh phân tích thêm: “Còn theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 và Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì 2 Nghị định này lại có nội dung có chút khác biệt với Điều 124 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Cụ thể là tại Điều 21 Nghị định 136 quy định, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp như: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

Như vậy, theo quy định trên, có thể hiểu là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự đương nhiên chưa được xuất cảnh. Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định chưa cho xuất cảnh.

Trong trường hợp chưa cho công dân xuất cảnh, cơ quan có thẩm quyền phải gửi quyết định đến cục Quản lý xuất nhập cảnh của bộ Công an”.

Bên cạnh đó, luật sư Thanh cho biết thêm: “Đối với người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, họ phải có văn bản cam đoan tuân thủ chấp hành quyết định cấm. Nếu họ vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì có thể sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nghiêm khắc hơn, chẳng hạn như biện pháp tạm giam”.