Hồ sơ điều tra

Vụ lừa đảo hơn 1.000 người dân: Bị hại đề nghị tăng nặng hình phạt với chủ mưu

Tại phần tranh tụng, cựu Chủ tịch Trần Đức Trung khẳng định trước HĐXX không có chủ trương để người tham gia đóng tiền vào Trung tâm hưởng lợi nhuận.

Chiều ngày 3/8, HĐXX phiên sơ thẩm trong vụ án Trần Đức Trung và 4 bị can thuộc cấp bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tiếp tục với phần tranh tụng.

Đại diện VKS xét hỏi với bị cáo Nhâm Sỹ Phúc, với chức danh là Chuyên viên phát triển thị trường của Trung tâm, từ đâu có nguồn thông tin để bị cáo tuyên truyền tới người dân tham gia vào chương trình “Trái tim Việt Nam”

Bị cáo Phúc trả lời, nguồn thông tin này là xuất phát từ ông Trung và bà Hằng đặt ra. VKS cho Phúc biết thông tin, ông Trần Đức Trung có nói là bị cáo khai báo “gian dối”.

Bị cáo Phúc khẳng định, bản thân không hề có ý định hay chủ ý đổi lỗi cho bị cáo Trung, “Tôi không biết gian dối là như thế nào”.

Phúc phân tích, trước thời điểm biết Trung tâm có ý định “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì bị cáo thấy đây là một chương trình mang tính nhân văn vì giúp đỡ người nghèo.

VKS tiếp tục đặt câu hỏi với Phúc, các văn bản mà bị cáo nhận được từ ông Trung thì bị cáo có soạn lại để đi tuyên truyền với người dân không? Phúc nói là bị cáo có soạn lại để chuyển tải nội dung nhanh hơn, rõ hơn với những người tham gia vào 3 gói chính sách này.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 3/8

Bị cáo Bùi Thị Oanh trả lời với HĐXX sơ thẩm về nguồn tiền của Trung tâm trợ người nghèo là tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, ngoài ra còn có tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm khác.

Bị cáo Oanh cho biết, các chính sách gói số 1, gói số 2 và gói số 3 để người dân tham gia mua thì đều do ông Trung và bà Hằng chỉ đạo, bị cáo không biết vì không nằm trong đội ngũ lãnh đạo của Trung tâm.

Trước HĐXX, bị cáo Oanh nêu quan điểm chưa bao giờ vu khống đối với bị cáo Trần Đức Trung. Còn cơ chế thanh toàn dòng tiền từ địa chỉ 102 đường Trường Chinh, Tp. Hà Nội thì bị cao thu được bao nhiều sẽ chuyển về Trung tâm.

Với nhiệm vụ là kế toán của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo, bị cáo Phan Thị Thoa nếu nhận được tiền từ những người tham gia chương trình sẽ chuyển khoản hoặc trực tiếp đưa bằng tiền mặt về Trung tâm.

HĐXX hỏi Thoa về chi tiết bị cáo Trung nói nghiêm cấm việc trưởng điểm thu tiền từ người tham gia, Thoa khẳng định là không nhận được quyết định này từ phía cựu Chủ tịch HĐTV.

Bị cáo Phạm Văn Lực trả lời HĐXX là không tham gia vào các gói 1,2 và 3 của Trung tâm.

Đối với vị cựu Chủ tịch HĐTV Trung tâm Hỗ trợ người nghèo, ông Trung khẳng định lời khai với cơ quan CSĐT có đúng hay sai thì không có bằng chứng đóng vào 1.200.000 đồng để nhận về 5.700.000 đồng.

Thông tin trên là hoàn toàn không chính xác, ông Trung trả lời HĐXX. Ngoài ra, bị cáo Trung còn nhấn mạnh chưa bao giờ tham gia vào các hội thảo, hội nghị của Trung tâm, bản thân bị cáo không chia sẻ bất cứ thông tin nào về gói chương trình số 1, số 2 và số 3.

HĐXX bác bỏ nhận định của bị cáo Trung, thẩm phán Phạm Năng Thành cho biết, bị cáo Trung khai là người đứng đầu, là Chủ tịch của Trung tâm, các hoạt động xảy ra thì bị cáo đều biết và phê duyệt các văn bản, chương trình.

Trước thái độ “vòng vo”, không thành khẩn của cựu Chủ tịch HĐTV Trung tâm Hỗ Trợ người nghèo, các bị hại tỏ ra bức xúc và có ý kiến với HĐXX “tăng nặng” hình phạt đối với ông Trần Đức Trung.

Ngày mai phiên xét xử sơ thẩm tiếp tục diễn ra.

Sau khi Bản quy định được ký, từ tháng 6/2016, mỗi người dân nộp 1.200.000 đồng theo hai gói chính sách hỗ trợ, sau 6 tháng sẽ được Trung tâm hỗ trợ lại từ 5.250.000 - 5.700.000 đồng; từ mã thứ hai, người dân chỉ phải đóng 700.000 đồng (lợi nhuận từ 437,5% - 814%) và số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Ngoài ra, sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận một sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh, sách báo, trị giá khoảng 150.000 đồng. Nếu giới thiệu người khác tham gia sẽ được thưởng 500.000 đồng/người.

Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền. Thông qua các điểm tư vấn, nhóm thu tiền của người dân tham gia tại 16 tỉnh, thành phố, sau đó chuyển tiền về Trung tâm và Văn phòng tại địa chỉ 102 Trường Chinh (quận Đống Đa) tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng.

Số tiền này, nhóm của Trung chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng, trong đó, cá nhân Trung chiếm, hưởng hơn 26,3 tỷ đồng; số còn lại các đối tượng sử dụng một phần tiền của người nộp sau trả cho người nộp trước; mua sản phẩm hỗ trợ.