Sự kiện

Bi hài chuyện 7 văn bản gửi đi sau khi đã ký nghiệm thu khống ở Huế

Sau khi nghiệm thu xong trên giấy tờ, chủ đầu tư đã 7 lần gửi đi văn bản cho công ty Tây Hồ yêu cầu làm cho xong các hạng mục chưa thi công trên thực tế.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại cơ sở 2 trường cao đẳng Công nghiệp Huế được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo tiền đề để ngôi trường này tiến những bước xa hơn trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật có chất lượng cao cho Thừa Thiên-Huế cũng như các tỉnh phía Bắc của khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, mới đây, câu chuyện về những lùm xùm khi thực hiện 2 gói thầu hạ tầng kỹ thuật của công trình này càng là cơ sở để dư luận dấy lên những hoài nghi về hiệu quả của dự án.

Hạ tầng kỹ thuật hiện tại của trường cao đẳng Công nghiệp Huế cơ sở 2.

Đó là 2 gói thầu: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải giá trị 24.578.418.000 đồng và gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ với giá trị 22.914.532.000 đồng.

2 gói thầu này đều từ vốn ngân sách Nhà nước do trường cao đẳng Công nghiệp Huế làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Tây Hồ (sau đây viết tắt là công ty Tây Hồ).

Những sai phạm trong việc thực hiện 2 gói thầu kể trên như: Thi công không đúng thiết kế, thiếu khối lượng thiết kế, nghiệm thu khống khối lượng thi công, có dấu hiệu hợp thức hoá chứng từ để thanh quyết toán… đã được đoàn thanh tra bộ Công Thương mạnh dạn chỉ ra trong Kết luận số 4985/KL-BCT ngày 9/7/2020.

Liên quan đến việc nghiệm thu khống, cụ thể, gói thầu Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải được triển khai từ năm 2013 đến ngày 31/12/2015, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã cùng ký biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, đến ngày 20/1/2016, thì ký thanh lý hợp đồng cho đơn vị thi công. Đây chính là cột mốc pháp lý thể hiện công trình đã hoàn thiện.

Nhưng đó chỉ là trên mặt giấy tờ, một thực tế phũ phàng đã được bộ Công Thương chỉ ra là rất nhiều hạng mục của công trình chưa được thi công, nguy hiểm hơn nữa là thi cống thiếu. Đơn cử, 2 máy bơm nước TSURUMI KTZ 21.5, 1 máy ép dầu mỡ, 40m ống thép mạ kẽm D76, 2 van một chiều D76, 1 thang thép lên xuống hố, 2 giá đặt máy bơm trong gói cung cấp và lắp đặt thiết bị đã không được thực hiện. Đặc biệt, tại hạng mục thi công thoát nước mưa, thi công thiếu 3 hố gom nước mưa; tại hạng mục mương kỹ thuật, thi công thiếu 2 hố.

Gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ cũng cùng chung một "kịch bản". Ngày 19/8/2014, chủ đầu tư và nhà thầu đã ký Hợp đồng thi công số 51/HĐKT gói thầu này. Đến ngày 31/12/2016, các bên đã ký nghiệm thu dự án và quyết toán đưa công trình vào sử dụng.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là trên mặt giấy tờ, thực tế  là rất nhiều hạng mục của gói thầu lúc ấy chưa hoàn thành như: Đắp nền đường, thảm base, bê-tông đường, cống, trồng cây, cột đèn chiếu sáng…

Hình ảnh hạ tầng trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cơ sở 2 được chụp vào tháng 11/2019 khi các hạng mục này trên mặt giấy tờ đã hoàn thiện từ năm 2016 (Ảnh người tố cáo cung cấp).

Xin được nhắc lại rằng, thời điểm để xảy ra những sai phạm nêu trên, hiệu trường trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là ông Cung Trọng Cường. Đến ngày 1/2/2019, ông Cường thôi giữ chức vụ này và được bổ nhiệm vị trí mới là Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tại gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ, sau khi ký hồ sơ nghiệm thu, phía trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã nhiều lần phát đi nhiều văn bản gửi cho công ty Tây Hồ để  yêu cầu tiếp tục thi công các hạng mục còn lại nhằm “chữa cháy” vi phạm. 

Thống kê từ bộ Công Thương, trong 3 năm (từ 2017-2019), trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã gửi đi 7 văn bản đề nghị, yêu cầu cho công ty Tây Hồ. Nhưng đáp lại  từ công ty Tây Hồ là nhiều lý do để chưa thể tiếp tục thi công, có lúc còn không có phản hồi.

Đến đầu năm 2020, khi nguyên hiệu trưởng Cung Trọng Cường đã không còn công tác ở vị trí Hiệu trưởng khoảng 1 năm, các cán bộ giảng viên, sinh viên trường cao đẳng Công nghiệp Huế vẫn chưa thể có một hạ tầng kỹ thuật tốt nhất để phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại cơ sở 2.

Và lúc này, trường cao đẳng Công nghiệp Huế cùng các đơn vị liên quan buộc phải thi công các hạng mục còn thiếu ở cơ sở này với giá trị khoảng 400.644.000 đồng. Điều bi hài là, việc thi công này không hề có văn bản xác nhận về khối lượng cũng như chất lượng của cơ quan có thẩm quyền.

Trở lại tổng thể vụ việc, từ đề nghị của bộ Công Thương, hiện Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (bộ Quốc phòng) đã gửi văn bản cho sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc trưng cầu giám định tư pháp xây dựng các hạng mục thuộc công trình dự án Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông tại trường cao đẳng Công nghiệp Huế cơ sở 2.

Về xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, bộ Công Thương cũng đã chuyển đến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xem xét xử lý những hành vi có dấu hiệu sai phạm của ông Cung Trọng Cường, lúc này đang giữ chức vụ Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên-Huế.

Thông tin thêm, từ các tài liệu PV thu thập được, thời điểm bộ Công Thương vào cuộc xác minh những nội dung tố cáo, tức vào tháng 3/2020, lúc ấy Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang thụ lý xem xét, xác minh và giải quyết vụ việc theo thẩm quyền…

Người đưa tin Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Lê Kông