An ninh - Hình sự

Bi hài: Bản án đã thi hành hơn 10 năm bỗng "sống lại"

Một vụ kiện dân sự bình thường được đưa ra xét xử và thi hành án hơn 10 năm về trước bỗng "sống lại" khiến bị đơn sửng sốt.

Lần theo lá đơn của bà Đinh Thị Ngọc Dung (trú TP.Đà Nẵng) và tài liệu của một số vị luật sư ở TP.Đà Nẵng, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã phát hiện ra câu chuyện bi hài này.

Hơn 15 năm trước, ngày 29/5/2003, bà Dung thoả thuận chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Lời (trú TP.Đà Nẵng) lô đất số I12, đường Phạm Văn Đồng, TP.Đà Nẵng, diện tích 333,6m2 với giá 3,1 tỷ đồng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, bà Dung cam kết giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ liên quan cho bà Lời trước ngày 1/5/2005. Nếu sau thời gian này vì một lý do nào đó không thực hiện được thì bà Dung phải hoàn trả số tiền 3,1 tỷ đồng cho bà Lời.

Sau đó, bà Dung không thực hiện được cam kết này nên ngày 10/10/2005, bà Lời đã khởi kiện ra TAND quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng yêu cầu buộc bị đơn trả lại số tiền là 3,1 tỷ đồng.

Các cấp tòa án đều nhận định hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Dung và bà Lời là vô hiệu vì vi phạm các quy định.

Bản án số 41/2006/DSST ngày 14/7/2006 của TAND quận Hải Châu thể hiện, tại thời điểm bà Dung và bà Lời ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thửa đất này chưa được xác định trên thực tế; hợp đồng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực. TAND quận Hải Châu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 2 người dân này vô hiệu, buộc bà Dung phải trả cho bà Lời 3,1 tỷ đồng và số tiền bồi thường thiệt hại là 527 triệu đồng. Tổng cộng hơn 3,6 tỷ đồng.

Bà Dung đã có đơn kháng cáo bản án nêu trên. Ngày 12/10/2006, TAND TP.Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử và tuyên bản án dân sự phúc thẩm số 58/2006/DSPT với nội dung hủy bản án cấp sơ thẩm, đồng thời yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại.

Tuy nhiên, đến ngày 24/10/2007, TAND Tối cao bất ngờ ra Quyết định Giám đốc thẩm số 312/2007/DS-GĐT, hủy bản án dân sự phúc thẩm số 58/2006/DSPT ngày 12/10/2006 của TAND TP.Đà Nẵng. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Đà Nẵng xét xử lại phúc thẩm.

Giữa lúc TAND TP.Đà Nẵng tiến hành thụ lý phúc thẩm lại vụ án thì bà Dung có đơn xin rút kháng cáo. Từ đó, TAND TP.Đà Nẵng quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án cấp sơ thẩm số 41/2006/DS-ST ngày 14/7/2006 của TAND quận Hải Châu có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 26/11/2007.

Bà Dung sau đó cũng đã tự nguyện thi hành xong bản án, nộp cho cơ quan thi hành án tổng cộng là 3,6 tỷ đồng để trả lại cho bà Lời.

Mọi chuyện tưởng chừng đã chấm dứt thì 4 năm sau, năm 2011, bà Dung tá hỏa khi biết tin TAND Tối cao ra Quyết định Giám đốc thẩm số 204/2011/DS-GĐT hủy toàn bộ các bản án cũng như những nội dung liên quan đến vụ việc ở TAND TP.Đà Nẵng lẫn TAND quận Hải Châu. TAND Tối cao cũng yêu cầu TAND quận Hải Châu xét xử sơ thẩm lại vụ kiện.

Vụ án được đưa ra xử lý sau hơn 10 năm thi hành án.

Thế rồi, chẳng rõ lý do gì, vụ việc lại "chìm" xuống, rồi kéo dài lê la đến tận năm 2017, tức 7 năm sau mới được xét xử sơ thẩm. TAND TP.Đà Nẵng xử phúc thẩm sau đó và ra bản án số 59/2018/DS-PT ngày 17/10/2018 buộc bà Dung phải trả thêm 1,3 tỷ đồng gọi là tiền lãi cho bà Lời.

Câu chuyện bi hài không chỉ ở việc bản án được thi hành xong xuôi hơn 10 năm về trước bỗng "đội mồ sống lại" mà còn khiến bị đơn điêu đứng khi buộc phải trả số tiền lãi hàng tỷ đồng này.

Điều đáng nói, năm 2005, lúc khởi kiện, bà Lời hoàn toàn không có yêu cầu đối với phần lãi suất phát sinh. Đến ngày 28/7/2011, tức 6 năm sau, bà Lời bổ sung yêu cầu bà Dung phải trả tiền lãi vay từ ngày 27/8/2003 đến 29/2/2008, tức 1.648 ngày. Tuy nhiên, TAND TP.Đà Nẵng đã tính từ thời điểm hai bên có quy định về trách nhiệm trả khoản tiền lãi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là ngày 1/8/2005, cho đến thời điểm bà Lời khởi kiện bổ sung tức ngày 28/07/2011. Tổng cộng thành 2.187 ngày, gần 6 năm trời tiền lãi.

Luật sư Lê Văn Cao, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng vô cùng bất ngờ trước vụ án bi hài này. Theo ông Cao, căn cứ theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, Bộ luật Dân sự 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

Ở đây vụ án kéo dài dai dẳng. Vụ án đã xong, đã thi hành án hơn 10 năm trời lại đem ra xử lại là không đúng với thời hiệu giải quyết vụ án. Chưa hết, theo quy định, toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

"Tại thời điểm 2005, bà Lời không hề có đơn khởi kiện hay đơn khởi kiện bổ sung nào với nội dung yêu cầu số tiền lãi phát sinh. Thực tế, bà Lời cũng chưa hề thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí và TAND quận Hải Châu cũng không có văn bản thụ lý bổ sung nào đối với yêu cầu về tiền lãi của nguyên đơn theo Điều 171, Điều 174 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004. Chính vì các lẽ trên mà tại thời điểm 28/7/2011, bà Lời mới phải thực hiện bổ sung yêu cầu khởi kiện để đúng thủ tục, tuy nhiên tại thời điểm này, yêu cầu đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định. Lúc này, tòa án cần áp dụng Điều 168 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung do thời hiệu khởi kiện đã hết mới đúng quy định pháp luật", luật sư Cao nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!