Dòng chảy pháp luật

Bị cáo Tất Thành Cang: “Sadeco xin ý kiến một đường, làm một nẻo”

Liên quan đến các sai phạm tại Sadeco, bị cáo Tất Thành Cang cho biết, chỉ căn cứ vào Tờ trình 12A để có bút phê “đồng ý” vào Tờ trình 1148.

Chiều 28/12, phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 19 đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn Nhà nước) tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng.

Bị cáo Tất Thành Cang: “Bút phê “Đồng ý” vào Tờ trình 1148 là căn cứ vào Tờ trình 12A của Tổng Giám đốc Sadeco”

Tại phần xét hỏi, bị cáo Cang cho biết, chỉ đồng ý trên Tờ trình 12A của Tổng Giám đốc Sadeco thời điểm đó là Hồ Thị Thanh Phúc.

Về hành vi liên quan đến việc bán 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, cáo trạng xác định hành vi sai phạm của cựu Phó Bí thư Thành ủy Tp.HCM Tất Thành Cang như sau:

Ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và sau đó được dàn lãnh đạo IPC biểu quyết thông qua với tỉ lệ 100%.

Ngày 16/5/2017, bị cáo Cang có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp.

Ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo 495-TB/VPTU do nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM Tất Thành Cang ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.

Bị cáo Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.

Ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng là số tiền mà công ty này mua cổ phiếu của Sadeco. Tuy nhiên, số tiền này không được dùng để tăng vốn điều lệ, mà Sadeco gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng để lấy lãi.

Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,5%). Trong khi cổ đông chiến lược của Sadeco là Công ty Nguyễn Kim chiếm hơn 54% vốn điều lệ.

Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa.

Về việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Tất Thành Cang khai, ngày 28/4/2017, Văn phòng Thành ủy trình Tờ trình 1148, kèm theo 2 tờ trình không số của 2 đại diện vốn và Tờ trình 12A của Tổng giám đốc Sadeco.

Ngày 16/5/2017, bị cáo Cang tổ chức họp để có ý kiến về nội dung chuyển nhượng cổ phần tại Sadeco. Tại cuộc họp, Văn phòng Thành ủy trình bày Tờ trình 1148 và thảo luận về các nội dung tại tờ trình này. Trên cơ sở thảo luận, bị cáo Cang đồng ý đề xuất của Văn phòng Thành ủy và bút phê "đồng ý" trên tờ trình.

Theo bị cáo Cang, Tờ trình 12A của Tổng Giám đốc Sadeco ghi giá dự kiến là 40.000 đồng/cổ phiếu, ghi hai phương án để chọn một phương án và không ghi nhà đầu tư chiến lược cụ thể. Việc bị cáo Cang có bút phê đồng ý trên Tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy là căn cứ vào Tờ trình 12A này.

Ngoài ra, còn có một tờ trình khác là Tờ trình 13, nội dung ghi giá là 40.000 đồng/cổ phiếu và ghi một phương án duy nhất là phát hành cổ phần cho cổ đông Nguyễn Kim ngay sau đại hội. 

“Lúc đó, tôi không biết về Tờ trình 13 và nội dung của 2 tờ trình này khác nhau về bản chất nội dung và bản chất pháp lý”, bị cáo Cang khai tại tòa.

Cũng theo bị cáo Cang, việc có bút phê “Đồng ý” trên Tờ trình 1148 là căn cứ vào tờ Trình 12A của Sadeco. Nhưng tờ trình này không có giá trị pháp lý tại Sadeco và không được HĐQT Sadeco họp bàn để trình cho đại hội cổ đông.

Bị cáo Cang cho biết, tại đại hội cổ đông bàn việc chuyển nhượng vốn tại Sadeco, chỉ trình duy nhất một phương án chứ không phải hai phương án để các cổ đông lựa chọn biểu quyết.

“Đại diện vốn khi báo cáo, xin ý kiến phải trung thực, chính xác, kịp thời. Do cơ sở báo cáo không trung thực, không có cơ sở pháp lý từ Tờ trình 12A, dẫn đến việc quyết định các nội dung tại đại hội cổ đông không đúng với nội dung bản chất đã được trình bày tại cuộc họp ngày 16/5/2017 mà bị cáo chủ trì”, bị cáo Cang trình bày.

Nói thêm về vấn đề này, bị cáo Cang cho biết, căn cứ theo Quy chế 119, khi những nội dung thể hiện tại đại hội cổ đông hoặc HĐQT không đúng, không chính xác với nội dung đã được xin ý kiến báo cáo thì đại diện vốn không được biểu quyết, mà phải dừng lại để xin ý kiến của Văn phòng Thành ủy là đơn vị quản lý vốn.

“Nếu không xin ý kiến mà đại diện vốn góp tự biểu quyết thì phải tự chịu trách nhiệm trên hành vi của mình”, bị cáo Cang nói.

Biểu quyết bán cổ phần cho Nguyễn Kim theo chỉ đạo của bị cáo Tất Thành Cang?

Trong khi đó, khai tại tòa trước đó, bị cáo Tề Trí Dũng, cựu Tổng Giám đốc IPC thừa nhận phát hành cổ phần là sai, nhưng cho rằng chỉ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của bị cáo Tất Thành Cang.

Theo bị cáo Dũng, trong hai phương án được đưa ra tại đại hội cổ đông, thì 100% thành viên hội đồng thành viên thống nhất phương án hai là phát hành 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim thông qua hình thức thư tín.

Đầu tháng 4/2017, bị cáo Dũng thay mặt IPC ký văn bản xin ý kiến UBND Tp.HCM về phương án phát hành cổ phần tại Sadeco dẫn đến việc giảm tỉ lệ sở hữu tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%.

UBND Tp.HCM sau đó giao hội đồng thành viên IPC căn cứ vào đề án tái cơ cấu do UBND Tp.HCM phê duyệt từ tháng 12/2013, lựa chọn phương án phát hành đảm bảo tối ưu và hợp pháp cho doanh nghiệp nhà nước, thực hiện việc quản lý đầu tư theo nghị định 91.

“Vào thời điểm đó, bị cáo nhận thức là làm đúng quy định pháp luật”, bị cáo Dũng trình bày và cho biết thêm rằng, tại thời điểm quyết định bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, không có ai nói việc phát hành này là không đúng. Thậm chí, các Sở, ngành và Ban đổi mới trong quá trình tham mưu cho UBND Tp.HCM khi trao đổi với Dũng cũng không hề nói đến việc phát hành này là không đúng.

Khai thêm tại tòa, bị cáo Dũng khẳng định, trong tất cả hoạt động của Sadeco, đặc biệt là những công việc quan trọng, IPC đều lắng nghe, tôn trọng và thực hiện theo ý kiến Văn phòng Thành ủy. Trong hoạt động của Sadeco, chưa bao giờ có biểu quyết nào mâu thuẫn với ý kiến Văn phòng Thành ủy.

“Văn bản chỉ đạo số 495 của Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang (lúc đó -PV) là rất quan trọng để 5/7 thành viên hội đồng thành viên Sadeco biểu quyết phương án phát hành cổ phần cho Nguyễn Kim…

Nếu không có Văn bản số 495 thì việc phát hành sẽ ngừng lại, bởi việc phát hành cổ phần, trong biên bản họp hội đồng thành viên, chúng tôi cũng ghi rõ việc phát hành cổ phần này chỉ được đưa ra hội đồng cổ đông sau khi có ý kiến đồng thuận của Thành ủy và UBND Tp.HCM”, bị cáo Dũng cho biết.