Dòng chảy pháp luật

Bị cáo Bạch Diệp la hét phản đối khi chủ tọa công bố lời khai

Trước việc bị cáo Diệp phủ nhận lời khai của mình, chủ tọa phiên tòa quyết định công bố các lời khai của bị cáo Diệp nhưng nữ bị cáo la hét, phản đối.

Ngày 17/3, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi phiên tòa xét xử đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, gọi tắt là công ty Diệp Bạch Dương) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 174, BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phiên tòa cũng xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng 8 cán bộ Nhà nước liên quan về cùng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.

Mở đầu buổi làm việc, đại diện VKS hỏi đại diện sở Tài nguyên - Môi trường về văn bản thông báo gửi các Sở ngành liên quan về nội dung khu nhà đất 57 Cao Thắng đã thế chấp 31/12/2000, trong khi hợp đồng thế chấp giữa bà Diệp và Agribank thể hiện ngày 31/12/2008 (tức 8 năm sau).

Trả lời VKS, đại diện sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định, trong hồ sơ lưu thể hiện ngày ra thông báo là 31/12/2008 chứ không phải năm 2000 như bị cáo Diệp và luật sư nói và đề nghị các luật sư liên hệ tòa để được sao chụp lại hồ sơ.

Trước việc bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nhiều lần phản đối cáo trạng, phủ nhận lời khai của mình và không thừa nhận hành vi lừa đảo, chủ tọa Phạm Lương Toản tiến hành công bố một số bút lục lời khai của bị cáo Diệp tại cơ quan điều tra.

Khi chủ tọa đọc đến nội dung bị cáo từng thừa nhận mang nhà đất 57 Cao Thắng đi thế chấp ngân hàng, có sự chứng kiến của luật sư thì bị cáo Diệp đứng lên phản đối, la hét và khẳng định “lời khai này không có thật".

Bị cáo Diệp phản đối, la hét buộc chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát tư pháp đưa bị cáo ra khỏi phiên tòa.

Dù được chủ tọa giải thích và yêu cầu giữ trật tự, nhưng bị cáo Diệp không hợp tác, tiếp tục la hét phản đối.

Trước tình huống này, chủ tọa buộc phải yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa bị cáo ra ngoài, đồng thời nói thư ký ghi vào biên bản bị cáo có hành vi “không tuân theo sự điều khiển phiên tòa của chủ tọa” và “gây rối trật tự tại phiên tòa”.

Khi được đưa ra ngoài phòng xử, bị cáo Diệp tiếp tục la lớn, cho đến khi được đưa vào phòng lưu phạm và được các luật sư động viên. Sau đó, cán bộ y tế cũng vào hỗ trợ, thăm khám sức khỏe cho nữ bị cáo này.

Chủ tọa phiên tòa cũng tuyên bố kết thúc phẩn thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận. Đồng thời, chủ tọa phiên tòa đề nghị các luật sư bào chữa cho bị cáo Diệp, trong khi chờ VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án thì động viên, làm công tác tư tưởng cho bị cáo Diệp.

Sau đó, các luật sư của bị cáo Diệp đã viết đơn, cùng ký tên đề nghị HĐXX và viện kiểm sát tạm dừng phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Theo các luật sư, bị cáo Diệp bức xúc, tinh thần không ổn định và có dấu hiệu không đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa, có nguy cơ đột quỵ.

Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX và đại diện viện kiểm sát cho dừng phiên tòa, có ý kiến để bộ phận y tế và trại giam T.17 có biện pháp kiểm tra sức khỏe, nhằm đảm bảo quyền lợi của bị cáo Diệp đến khi hồi phục.

Trong buổi làm việc chiều 16/3, trả lời thẩm vấn của luật sư về lý do chưa bàn giao về pháp lý khu 57 Cao Thắng cho trung tâm Ca nhạc nhẹ nhưng lại mang khu 185 Hai Bà Trưng đi thế chấp cho ngân hàng khác, bị cáo Diệp thừa nhận mình có phần sai sót.