Góc nhìn luật gia

Bị can trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình sẽ đối diện với mức hình phạt nào?

Theo các luật sư, đối với những bị can nhận hối lộ từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, mức án cao nhất là 20 năm. Người đưa hội lộ cũng cần phải bị khởi tố như thế mới đủ sức răn đe cho xã hội.

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bổ sung đối với bị can Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) về tội Nhận hối lộ quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, cơ quan công an cũng Khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội Đưa hối lộ quy định tại Điều 364, Bộ luật Hình sự đối với Hồ Chúc, giáo viên trường THPT Thanh Hà, tỉnh Hòa Bình.

Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an xác định ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) đã có hành vi nhận hối lộ để tác động điểm thi.

Bị can Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận đã được hưởng lợi khoản tiền 550 triệu đồng, Đỗ Mạnh Tuấn cũng khai nhận đã nhận được chỉ đạo của bị can Nguyễn Quang Vinh để sửa điểm bài thi của môn Ngữ văn.

Vậy những bị can như thế này sẽ chịu mức hình phạt như thế nào? Và liệu người hối lộ (phụ huynh các học sinh,…) có bị khởi tố?

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn đề này, luật sư Phan Kế Hiển (công ty luật The Light) cho biết, đối với tội danh Nhận hối lộ phạm vào khoản 4, Điều 354 BLHS năm 2015, các bị can nhận hối lộ từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng sẽ chịu mức an cao nhất là phạt tù từ 15 năm 20 năm.

“Với những người hối lộ là phụ huynh học sinh, nếu cơ quan Công an thu thập đủ yếu tố cấu thành sẽ khởi tố bị can theo khoản 3, Điều 364 BLHS về tội Đưa hối lộ, mức hình phạt đối với tội danh này là từ 7 đến 12 năm tù”, luật sư Hiển cho hay.

Các bị can Đỗ Mạnh Tuấn (phải) và Nguyễn Khắc Tuấn.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, không có gì bất ngờ khi Cơ quan an ninh điều tra bộ Công an khởi tố thêm về tội Đưa hối lộ và Tội nhận hối lộ trong vụ án Gian lận thi cử năm 2018.

Theo luật sư, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định đối tượng đã bị khởi tố về tội Nhận hối lộ trong vụ án tại Hòa Bình đã nhận hơn 500 triệu đồng, ngoài ra không chứng minh được đối tượng này đã nhận tiền của những người khác, chỉ vi phạm một lần với một người với số tiền nêu trên thì hình phạt sẽ là từ 15 năm đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 3, Điều 354 BLHS.

Trong vụ án gian lận thi cử ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang năm 2018, tất cả các đối tượng có chức vụ quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để sửa điểm, nâng điểm thì đều phải khởi tố, xử lý về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ hình sự mới đúng pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường.

"Đặc biệt là những người đưa hối lộ, nếu không làm rõ được động cơ, mục đích của việc sửa điểm, nâng điểm, không làm rõ được trách nhiệm pháp lý của các phụ huynh, người thân của học sinh trong việc tác động để nâng điểm ở vụ việc này thì vụ việc chỉ là giải quyết nửa chừng, không đúng bản chất và bỏ lọt tội phạm", luật sư Cường cho hay.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, đối với phụ huynh, những người có con cháu được nâng điểm cũng cần rà soát, xác minh, điều tra làm rõ để xử lý về hành vi đưa hối lộ. Nếu có căn cứ cho rằng bố mẹ của học sinh hoặc anh, chị, em, cô dì chú bác, họ hàng... đã tác động bằng vật chất hoặc tác động phi vật chất với người có chức vụ, quyền hạn để những người này thực hiện hành vi công vụ sai trái, sửa điểm, nâng điểm cho học sinh thì hành vi này là hành vi đưa hối lộ, hành vi này phải bị xử lý về tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật hình sự thì mới công bằng, đúng pháp luật. Và mức phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù.

Còn đối với những người không đưa, không nhận hối lộ nhưng làm trung gian, môi giới thì cũng sẽ bị xử lý về tội môi giới hối lộ theo Điều 365 Bộ luật hình sự. Mức phạt cao nhất sẽ là 8 năm đến 15 năm tù.

Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 6 bị can cùng về tội danh lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 bộ luật Hình sự gồm: 
- Đào Ngọc Thuật, giáo viên Trường THPT Mường Bi, tỉnh Hòa Bình (nơi cư trú: xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).
- Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình.
- Nguyễn Đức Hoàng, Thanh tra viên Phòng Thanh tra, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.
- Nguyễn Tân Hưng, cán bộ phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.
- Phùng Văn Thụ, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.
- Quách Thanh Phúc, Phó Hiệu trưởng trường THPT 19/5, Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.