An ninh - Hình sự

Bị can Phan Văn Vĩnh nhập viện không ảnh hưởng đến phiên xét xử sơ thẩm

Do tình trạng sức khỏe , bị can Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - bộ Công an, đã phải nhập viện để điều trị với sự giám sát chặt chẽ.

Ngày 15/10, trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Đoàn Minh Hương – Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết: “Do ông Phan Văn Vĩnh bị loạn nhịp tim và tụt huyết áp nên cơ quan điều tra và cảnh sát đã đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để khám và điều trị. Hiện tại, tinh thần của ông Vĩnh đã ổn định, tình trạng sức khỏe cũng không có vấn đề gì”.

Dự kiến vào tháng 11 tới đây, vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và 1 số địa phương khác trên cả nước liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh sẽ được đưa ra xét xử. Về sức khỏe của ông Vĩnh có ảnh hưởng tới quá trình xét xử hay không, ông Hương khẳng định: “Sức khỏe của ông Phan Văn Vĩnh không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án”.

Ông Phan Văn Vĩnh.

Trước đó, ngày 31/8, VKSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50) - bộ Công an) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.

Trong đó, hai chủ mưu đường dây đánh bạc ngàn tỷ gồm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT VTC Online) bị truy tố về 2 tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. 88 bị can khác bị truy tố về các tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền.

Theo cáo trạng, khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Phan Văn Vĩnh biết công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản, đề nghị bộ Thông tin Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho sai phạm trên.

Ông Vĩnh còn chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất Bộ trưởng bộ Công an cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc và bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12/10/2011, để "che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp".

Lãnh đạo bộ Công an khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, yêu cầu có báo cáo song ông Vĩnh không chấp hành.

Theo cơ quan điều tra, Dương khai đã biếu ông Vĩnh đồng hồ Rolex, 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD. Dương còn nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, mang rượu ngoại có giá 100 triệu đồng/chai đến phục vụ, tặng quà mỗi lần đi nước ngoài về. Dương cũng khai biếu ông Hóa 22 tỷ đồng. Những hành vi này, cơ quan chức năng tách riêng để điều tra, sẽ xử lý khi có đủ căn cứ.

Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song Viện kiểm sát cho rằng không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập và không chi tiêu gì.

Cơ quan công tố tỉnh Phú Thọ cho rằng, hành vi của ông Phan Văn Vĩnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín ngành. Ông Nguyễn Thanh Hóa bị quy kết đã bao che, không cho các Phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC.

Bị cáo được vắng mặt phiên toà trong trường hợp nào? 
Liên quan đến vấn đề có thể hoãn phiên tòa khi ông Phan Văn Vĩnh đang phải nhập viện trước phiên tòa xét xử hay không, trao đổi PV, Luật sư Lâm Văn Quang – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: Việc hoãn phiên tòa xét xử được quy định rất cụ thể tại Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Theo đó, bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.