Đời sống

Bí ẩn xác ướp Ai Cập có lưỡi vàng 2.500 tuổi, kẻ trộm mộ cũng khiếp sợ

Các nhà khảo cổ học phán đoán, người xưa tin rằng, chiếc lưỡi vàng có thể giúp người mất nói chuyện ở thế giới bên kia, đặc biệt là với một vị thần.

Các nhà nghiên cứu thuộc Phái đoàn Khảo cổ học Oxyrhynchus, do Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập và Đại học Barcelona đồng điều hành, đã thực hiện khảo cổ tại địa điểm khảo cổ Oxyrhynchus, gần thị trấn El Bahnasa ngày nay.

Các xác ướp được đặt trong quan tài đá trong 2 ngôi mộ liền kề. Ảnh: Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập

Theo đó, các nhà khoa học tìm thấy được nhiều đồ chôn cất trong hai ngôi mộ cạnh nhau. Tuy nhiên điều đáng ngờ là một trong những ngôi mộ này đã bị bọn trộm cướp phá, chứa hài cốt của một người phụ nữ và một đứa trẻ khoảng 3 tuổi . Còn ngôi mộ của người đàn ông, từ triều đại thứ 26 (664 TCN đến 525 TCN), còn được gọi là thời kỳ Saite, vẫn chưa được động đến.

Esther Pons Mellado, đồng giám đốc sứ mệnh khảo cổ của Oxyrhynchus, cho biết: “Hiếm khi tìm thấy một ngôi mộ được niêm phong hoàn toàn .”

Cụ thể, ngôi mộ của người đàn ông, được niêm phong trong 2.500 năm, chứa một quan tài bằng đá vôi và một số hiện vật cho thế giới bên kia. Nơi chôn cất người đàn ông có một cỗ quan tài có nắp đậy hình người đàn ông. Các đồ tạo tác của Ai Cập cổ đại được tìm thấy trong lăng mộ của người đàn ông.

Bên trong miệng 2 người đều có một chiếc lưỡi bằng vàng, trong mộ người đàn ông còn có thêm mọt con bọ hung vàng và nhiều đồ tùy táng đặc sắc khác như những chiếc lọ gốm, 402 bức tượng nhỏ mang ý nghĩa thần thánh, một chuỗi hạt màu xanh lá cây. Những bức tượng nhỏ này giống với thần Horus, một vị thần Ai Cập Cổ đại thường đại diện là một người đàn ông với đầu giống con chim ưng, có nhiệm vụ bảo vệ.

Sau khi mở được nắp mộ ra, rõ ràng kẻ trộm mộ đã không dám lấy đi chiếc lưỡi vàng của người phụ nữ, cũng như không tiếp tục khám phá với ngôi mộ liền kể, nơi người đàn ông an nghỉ.

Các nhà khảo cổ học phán đoán, người xưa tin rằng, chiếc lưỡi vàng có thể giúp người chết nói chuyện ở thế giới bên kia, đặc biệt là với một vị thần như Osiris, vị thần của thế giới ngầm.

Những chiếc lưỡi vàng lấy ra từ xác ướp. Ảnh: Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập

Oxyrhynchus từng là nơi nổi tiếng với giấy cói mà người ta thường tìm thấy tiếng Hy Lạp cổ đại, tiếng Latinh và các ngôn ngữ khác.

Các nhà sử học từ lâu đã kết luận rằng các vật dụng cá nhân chứa trong quan tài để đi cùng người chết đến với thế giới bên kia.

Vì sao các chuyên gia khảo cổ học tìm thấy nhiều xác ướp ở Ai Cập?

Đến nay, dù công nghệ phát triển nhưng cách xây dựng kim tự tháp hay câu chuyện xung quanh việc người Ai Cập cổ đại ướp xác vẫn là câu hỏi lớn với hậu thế.

Theo những nghiên cứu bắt đầu năm 3500 trước công nguyên, người Ai Cập tìm được cách ướp xác. Tuy nhiên, việc này hầu như chỉ giành cho Hoàng tộc, giới nhà giàu, quý tộc có quyền lực trong xã hội.

Cách ướp xác của Hoàng tộc và dân thường cũng khác biệt. Với đại đa số dân thường, khi qua đời, cơ thể người chết được quấn chặt bằng những tấm vải lanh rồi chôn dưới đất cho tới lúc khô. Do khí hậu khô nóng khiến xác khó phân hủy và khô lại.

Còn cách ướp xác dành cho Hoàng tộc, giới nhà giàu được làm công phu tỷ mỷ. Cuối cùng, thi thể được quấn vải lanh rồi đưa vào quan tài bằng gỗ rồi đặt trong một chiếc quan tài bằng đá. Địa vị xã hội càng cao, tiền bạc càng dư giả, quá trình ướp xác càng cầu kỳ phức tạp.

Trong nhiều năm qua các chuyên gia khảo cổ tìm thấy nhiều xác ướp ở Ai Cập, trong số đó nhiều thi thể ở tình trạng khá nguyên vẹn dù đã qua đời từ nhiều thế kỷ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, người Ai Cập cổ đại tin rằng, linh hồn con người gắn liền với sự tồn tại của cơ thể. Bởi vậy, họ sẽ ướp xác để linh hồn được "tiếp tục sống" ở thế giới bên kia. Ước tính, trong vòng 3000 năm, người Ai Cập cổ đại ướp xác khoảng 70 triệu người.

Trúc Chi (t/h theo Người Lao Động, Tiền Phong, Dân Trí)