Hồ sơ

Bí ẩn vụ đầu độc nữ sinh chấn động Trung Quốc, gần 3 thập kỷ chưa tìm ra kẻ thủ ác

Gần 30 năm sau vụ nữ sinh viên xinh đẹp Trung Quốc bị đầu độc bằng Thallium, chưa có kẻ nào phải đền tội. Cho đến nay, trong khi đáp án chính xác về kẻ thủ ác vẫn chưa được đưa ra thì có một sự thật không thể thay đổi, Zhu Ling đang yếu đi từng ngày và mang trí tuệ của đứa trẻ 6 tuổi.

Năm 1992, khi bước vào đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, nữ sinh viên năm nhất Zhu Ling khá nổi bật trong trường vì không chỉ xinh đẹp mà còn rất tài năng. Nữ sinh ngành hóa học này luôn lọt top đầu trong trường về thành tích học tập và đồng thời là một tay chơi nhạc giỏi, bơi lội cũng rất tài.

Tuy nhiên, tương lai xán lạn đã khép lại ngay khi cô bước vào năm thứ 2 đại học. Cô đột nhiên không thể đi được và thường xuyên bị hành hạ bởi đủ thứ bệnh: Tay tê bì, toàn thân đau dữ dội và nôn mửa, tiêu chảy thường xuyên. Trong khi các bác sĩ điều trị đang hướng về nghi vấn Zhu Ling  mắc bệnh hiếm gặp thì cô gái rơi vào tình trạng nguy kịch: Rụng tóc, mù lòa, liệt một phần thân và các cơn đau đớn khủng khiếp hành hạ.

Hình ảnh Zhu Ling xinh đẹp và bệnh tật trước và sau bị bị đầu độc

Trải qua nhiều lần khám ở các viện khác nhau, kết luận chung được các bác sĩ nước này đưa ra là Zhu Ling bị nhiễm Thallium, hóa chất kịch độc được sử dụng trong thuốc diệt chuột và côn trùng. Tuy nhiên, cô gái một mực khẳng định cô chưa bao giờ tiếp xúc với Thallium nên bệnh viện không tiến hành kiểm tra xem Zhu Ling có thật sự bị nhiễm độc hay không.

Tình trạng bệnh của cô gái tiếp tục xấu hơn khi cơ mặt bị co rút, cơ mắt tê cứng và mất tự chủ trong việc hô hấp. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật mở khí quản. Dù nỗ lực hết sức, nhưng cuối cùng Zhu Ling rơi vào trạng thái hôn mê sâu và mãi đến 5 tháng sau là vào cuối tháng 8/1995, cô mới tỉnh lại.

Khi tìm ra chính xác nguyên do khiến cô gái lâm bệnh nặng, Zhu Ling nhanh chóng được các bác sĩ tiến hành chữa trị, giải độc. Tuy nhiên, thời gian phát hiện bệnh quá trễ, chất độc Thallium ngấm sâu vào cơ thể đã khiến Zhu Ling không còn khả năng hồi phục. Chất độc cũng ảnh hưởng đến chức năng não khiến Zhu Ling từ 1 sinh viên ưu tú bỗng trở thành người bại liệt, mất khả năng sinh hoạt cá nhân. Thủ phạm khiến Zhu Ling nhiễm Thallium và lâm vào tình trạng bệnh tật như vậy trở thành nỗi day dứt lớn với gia đình và dư luận.

Manh mối duy nhất

Nghi con gái bị đầu độc, bố mẹ Zhu Ling đã trình báo sự việc tới trường đại học nơi con gái học và cảnh sát. Giữa năm 1995, Cảnh sát Bắc Kinh chính thức thụ án và tiến hành điều tra vụ việc. Một nghi phạm rơi vào vòng tình nghi đó là Sun Wei, một người bạn cùng phòng ký túc xá với Zhu Ling. Người bạn cùng phòng này cũng là sinh viên duy nhất được nhà trường cấp quyền sử dụng hóa chất trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu.  Cảnh sát lúc đó đã tạm giữ Sun Wei để thẩm vấn, điều tra nhưng sau 8 giờ tra hỏi, nghi phạm đã được thả do không đủ bằng chứng buộc tội.

Một số nguồn tin cáo buộc rằng, chính Sun Wei là người đã ra tay đầu độc bạn mình vì ghen tỵ với thành tích học tập cũng như các hoạt động nghệ thuật của Zhu Ling. Nhưng gia thế của Sun Wei khá lớn và có thể gia đình cô bạn này đã can thiệp vào kết quả điều tra hòng thoát tội. Sau này, Sun Wei đã sang Mỹ sinh sống và có tin cho rằng cô đã đổi tên.

Sự bó tay của cảnh sát khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. Những giả thiết về việc Sun Wei đầu độc Zhu Ling luôn được nhắc lại trên các diễn đàn. Trước làn sóng tấn công ồ ạt, Sun Wei buộc phải lộ diện và lên tiếng bác bỏ những cáo buộc về mình.

“Nhiều người đang giúp đỡ Zhu Ling và yêu cầu kẻ giết người phải chịu tội. Những lời đồn đại về tôi lan truyền từ rất lâu rồi, nhưng tôi vẫn ngậm đắng nuốt cay trong nhiều năm nay. Bởi tôi tin sẽ có ngày mình được trả lại sự trong sạch. Nhưng sự im lặng của tôi lại khiến mọi người có thêm lý do để nghi ngờ. Ngay cả bạn bè tôi cũng hỏi tôi về chuyện này. Vì vậy, tôi quyết định nói ra sự thật rằng tôi vô tội và cũng là nạn nhân của vụ việc”, Sun Wei biện bạch.

Nỗi đau ở lại

Cuộc điều tra của lực lượng chức năng khép lại vào năm 1998 nhưng điều này đã không làm thỏa mãn dư luận. Trên các diễn đàn thường xuyên chia sẻ lại vụ án của Zhu Ling và đặt câu hỏi về kẻ thủ ác. Những người thương cảm với Zhu Ling trên khắp Trung Quốc và ở nước ngoài cũng đã phát động chiến dịch đòi công lý cho nữ sinh viên.

Năm 2013, vụ đầu độc Zhu Ling bất ngờ được đào lại khi có một vụ hạ độc tương tự xảy ra ở Thượng Hải. Huang Yang,  sinh viên đại học Y Thượng Hải đã chết sau khi uống nước có độc tố trong ký túc xá. Người bạn cùng phòng của sinh viên này sau đó đã bị bắt và buộc tội.

Cũng trong năm này, có hơn 120.000 chữ ký của cư dân mạng đã được thu thập với yêu cầu  nối lại cuộc điều tra vụ đầu độc của Zhu Ling. Tuy vậy, đến nay vụ đầu độc này vẫn còn phủ màn bí ẩn. Kẻ thủ ác vẫn chưa được tìm ra. Các cuộc tranh cãi về kẻ thủ ác vẫn tiếp diễn nhưng không ai có thể tìm ra đáp án chính xác.

Sau hơn 20 năm, Zhu Ling hiện đã trở thành 1 người phụ nữ ngoài 40 tuổi, gánh chịu nỗi đau dai dẳng do bị đầu độc. Cuộc sống của cô giờ gắn liền với chiếc giường, căn bệnh thừa cân, bóng tối, những cơn đau và mang trí tuệ của một đứa trẻ 6 tuổi.

 

Theo CNN, SCMP)