Văn hoá

Bí ẩn màu sắc của hai miếng giấy trong Squid Game

Nhiều người tin rằng việc chọn giấy xanh hoặc đỏ liên quan đến vai trò của người chọn trong Squid Game.

Ra mắt từ giữa tháng 9/2021, Squid Game (Trò chơi con mực) đã trở thành một cơn sốt trên toàn thế giới, hàng triệu người bị cuốn vào bộ phim với những thử thách sinh tồn hấp dẫn, kỳ dị và nghẹt thở này. Ngoài ra, bộ phim cũng để lại cho khán giả một số câu hỏi chưa được giải đáp. Một trong số đó là thắc mắc liên quan đến màu sắc của hai miếng giấy trong trò ddakji (đập giấy).

Theo đó, khi mời Seong Gi Hun chơi ddakji, Salesman (Người bán hàng) đưa ra hai miếng giấy đỏ và xanh để Gi Hun lựa chọn. Trong phim, nam chính nhận miếng giấy xanh và trở thành người chơi của Squid Game. Một số khán giả đặt giả thuyết, nếu Gi Hun chọn giấy màu đỏ, có phải anh sẽ được tuyển dụng làm nhân viên trò chơi hay không do người chơi mặc đồ xanh, còn nhân viên mặc đồ đỏ.

Nhiều khán giả tin rằng việc chọn giấy xanh hoặc đỏ liên quan đến vai trò của người chọn trong Squid Game.

Tuy nhiên, “cha đẻ” của bộ phim bác bỏ giả thuyết này. Biên kịch kiêm đạo diễn Hwang Dong Hyuk trong cuộc phỏng vấn mới đây với The Chosun Ilbo cho hay, màu sắc của hai miếng giấy lấy cảm hứng từ truyền thuyết khá phổ biến ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Truyền thuyết kể về một con ma đeo mặt nạ xuất hiện trong phòng tắm và yêu cầu nạn nhân lựa chọn giấy vệ sinh màu đỏ hoặc xanh lam. Bất kể chọn màu nào, con ma cũng sẽ sát hại nạn nhân.

Màu sắc của hai miếng giấy lấy cảm hứng từ truyền thuyết, không liên quan đến màu sắc trang phục trong Squid Game.

Một vấn đề nữa cũng được khán giả quan tâm là nhân vật Salesman. Khi anh tiếp cận nam chính Seong Gi Hun tại một ga tàu điện ngầm. Anh dùng một vali đầy tiền để dụ dỗ người đàn ông xui xẻo chơi trò ddakji truyền thống. Để rồi chung cuộc Seong Gi Hun nhận tấm danh thiếp mời tham gia Squid Game từ tay Salesman.

Nhân vật của Gong Yoo được xem là cầu nối đưa người chơi vào những thử thách tàn khốc của Squid Game. Tuy nhiên sau phân đoạn đó, anh không hề xuất hiện trong các tập phim tiếp theo. Salesman chỉ trở lại chớp nhoáng ở tập cuối. Nhiều khán giả hy vọng thân thế nhân vật Salesman sẽ được hé lộ ở phần 2 bộ phim (nếu có).

Là nam diễn viên hàng đầu xứ Hàn, diễn viên Gong Yoo trong vai Salesman tạo được ấn tượng mạnh với khán giả ngay từ đầu phim.

Về nhân vật Salesman, đạo diễn Hwang Dong Hyuk cho biêt: “Tôi biết có rất nhiều giả thuyết về Salesman. Những khán giả này chắc chắn sáng tạo hơn tôi”.

Theo vị đạo diễn 50 tuổi, khi bắt tay vào viết cốt truyện cho Trò chơi con mực, anh quyết định Salesman là một nhân viên cũ của trò chơi sinh tồn. Trong quá trình làm việc, nhân vật này giành được sự tin tưởng của người tạo ra trò chơi, Oh Il Nam. Nhờ đó, Salesman có cơ hội làm việc trong “thế giới thực” bên ngoài trò chơi.

Ngoài những tình tiết trên, trò tách kẹo đường dalgona trong phim chính là thử thách gây sốt ngoài đời hơn cả. Tại Hàn, nhiều người trẻ không ngại đứng đợi cả hàng dài ở gian hàng bán kẹo đường như trong phim để mua và thử tài tách kẹo giống các nhân vật trên màn ảnh.

Chính cơn sốt này đã đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho An Yong Hui - một người bán kẹo đường lâu năm ở Seoul (Hàn Quốc) đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẹo dalgona cho đoàn phim Trò chơi con mực ghi hình. Tiết lộ với Reuters, An cho biết mình không thể về nhà cả tuần liền vì khách quá đông.

Giờ đây, mỗi ngày anh có thể bán khoảng 500 phần kẹo đường dalgona, gấp 2,5 so với trước kia từ đó có khả năng bỏ túi khoảng 1 triệu won/ngày.

Nhờ Squid Game trò tách kẹo đường dalgona đang gây sốt ngoài đời.

Ở Singapore, một quán cà phê tên Brown Butter Café cũng nhanh chóng hút khách khi tận dụng cơn sốt tách kẹo đường như trong Squid Game. Khách hàng đến đây có thể cùng nhau cặm cụi tách kẹo theo hình in sẵn để thỏa mãn sự hiếu kỳ cũng như giành giải thưởng nho nhỏ.

Không dừng lại ở đó, trên TikTok và nhiều nền tảng mạng xã hội khác, người người thi nhau lan truyền các video tự làm kẹo dalgona từ đường và banking soda sau đó in hình tùy thích và dùng que nhọn tách như trong Squid Game. Trào lưu này cũng đang rầm rộ trên mạng xã hội Việt Nam và thu hút đông đảo người dùng trẻ tham gia. Thậm chí, các trang thương mại điện tử như Amazon, eBay và Coupang cũng nhanh chóng nắm bắt được xu hướng này từ đó bán các dụng cụ làm kẹo dalgona với giá 29,99 USD.

Quốc Tiệp (theo Thanh niên, Tiền phong)