Tiêu dùng & Dư luận

Bí ẩn cơn sốt “vảy cá giá cao” ở An Giang

Trong 2 năm trở lại đây, người dân miền Tây bắt đầu kinh doanh một loại mặt hàng mới vô cùng lạ lùng: Vảy cá.

Vảy cá từ phế phẩm trở thành hàng hút khách (ảnh: Hưng lợi).

Vài tháng trở lại đây, tại làng khô cá sặc bổi xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) rộ lên việc thương lái tìm đến thu mua vảy cá sặc với giá cao, đặc biệt rất hút hàng. Điều đáng lo ngại là hiện tại không ai biết thương lái thu mua vảy cá để làm gì và vận chuyển đi đâu?

Theo ghi nhận của báo Công an Nhân dân, tại một cơ sở sản xuất khô thuộc xã Khánh An, sau khi nhóm công nhân vừa làm xong một đợt cá, thì một người phụ nữ xuất hiện, thu gom vảy, cho vào sọt, tập trung cẩn thận ở một góc khô ráo.

Trả lời tờ báo, chị Nguyễn Thị Mới (31 tuổi) làm nghề thu gom vảy cá cho biết, trước đây vảy cá thường phải gom bỏ, dọn dẹp rất cực nhọc. Một năm trở lại đây, có thương lái đến hỏi mua vảy cá sặc với giá 1.200đ/kg.

“Tưởng nói đùa, ai dè vài ngày sau họ quay lại thu mua thật. Nhưng vài tháng trở lại đây, vảy cá rất hút hàng, mình thu mua được càng nhiều thì họ tăng thêm giá cao hơn”, chị Mới phấn khởi chia sẻ.

Vảy cá sặc rằn được thương lái thu mua với giá 2.000 đồng/kg (ảnh: Nông nghiệp Việt Nam).

Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Hường, chủ cơ sở chế biến khô ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang cho biết, hiện mỗi ngày nhà bà làm khoảng 10 tấn cá sặc bổi để làm khô. Lượng vảy thải ra tương đương 600 kg. Khoảng 4 - 5 ngày là lái cho xe tải tới cân và chở vảy cá đi, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết nhưng hỏi làm gì thì họ không nói.

Nhờ xuất hiện các thương buôn bí ẩn này mà người dân khu vực bỗng dưng có thêm một nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

Chị Lê Thị Kiến (thợ mần cá thuê ở làng khô Khánh An) chia sẻ với Dân Việt, chị chẳng biết người ta mua vảy cá để làm gì. Chị thấy mấy tháng gần đây có người gom vảy cá bán. Hầu như vảy đánh ra bao nhiêu thì đều được thu mua hết sạch.

Theo chị Kiến, thời gian gần đây vảy cá bán rất chạy. Nhờ thế mà dân trong làng Khánh An đứng ra thu mua rồi bán lại cho thương lái ở xa để hưởng lợi từ chênh lệch giá. Chị có người chị dâu bà con cũng đang làm cò vảy cá. Người chị dâu mua tại cơ sở chế biến khô giá 1.200 đồng/kg vảy thì bán lại được 2.000 đồng/kg. Mặc dù giá vảy cá tăng cao nhưng vẫn có nhiều người giành mua.

Quét gom vảy cá (ảnh: Dân Việt).

Giống như chị Kiến, người dân địa phương tại khu vực không hề biết được mục đích của việc thu mua vảy cá. Do các thương lái không muốn tiết lộ nên bà cũng không dò hỏi, sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Những thông tin về thương lái hay mục đích sử dụng vảy cá gần như không thể tiếp cận. Thậm chí phát hiện sự có mặt của báo chí, các thương buôn cũng tạm ngừng việc mua bán lại.

Không thể phủ nhận rằng việc thương lái thu mua loại phế phẩm này giúp tăng thu nhập cho người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên nếu được dùng vào mục đích tốt như làm phân bón, hay tận dụng để chăn nuôi thì tại sao việc thu mua vảy cá lại diễn ra kín đáo như vậy. Chính quyền khu vực nên cân nhắc vấn đề này, tìm phương án trao đổi với người dân, tổ chức giao dịch minh bạch để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bá Di (Tổng hợp)