Hồ sơ doanh nghiệp

Bệnh viện duy nhất trên sàn muốn huy động 415 tỷ để xây thêm 2 cơ sở

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sẽ huy động 415 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu để xây thêm hai cơ sở y tế mới. Đồng thời, bệnh viện này muốn kinh doanh bất động sản.

Huy động vốn từ cổ đông hiện hữu

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (MCK: TNH) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ vào cuối tháng 11.

Doanh nghiệp này dự kiến bán gần 26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Giá phát hành dự kiến là 16.000 đồng mỗi đơn vị, thấp hơn 3 lần so với thị giá thực tế. Tại phiên ngày 22/11, thị giá cổ phiếu TNH tăng trần đứng ở mức 53.000 đồng/cp.

Nếu phát hành thành công, bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sẽ thu về 415 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết, nửa số vốn sẽ được sử dụng để mua cổ phần, góp thêm vốn tăng tỉ lệ sở hữu tại CTCP Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên và CTCP Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên để đầu tư xây dựng 2 dự án bệnh viện mới. 

Trong đó, 66,5 tỷ đồng được sử dụng để góp thêm vốn đầu tư vào CTCP Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên theo hình thức mua cổ phần để đầu tư Dự án Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, nâng tỉ lệ sở hữu của TNH tại Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên từ 45% lên thành gần 85%.

Hồi tháng 1/2021, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM với vốn điều lệ 415 tỷ đồng, tương đương 41,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Đồng thời, TNH sẽ phân bổ 141 tỷ đồng góp thêm vốn đầu tư vào CTCP Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên theo hình thức mua cổ phần để đầu tư Dự án Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên, nâng tỉ lệ sở hữu tại Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên từ 48% lên gần 80%.

Còn với 207,5 tỷ đồng còn lại sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, phục vụ mở rộng và nâng công suất hoạt động của hệ thống bệnh viện hiện có và trả nợ vay ngân hàng.

Bệnh viện muốn kinh doanh bất động sản

Ngoài ra, phiên họp bất thường sắp tới thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới. TNH muốn kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Lý do được ban lãnh đạo đưa ra là để đảm bảo điều kiện pháp lý trước khi công ty thực hiện việc cho thuê lại tòa nhà của của bệnh viện, hiện không có nhu cầu sử dụng. Theo đó, TNH sẽ cho Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên thuê để đầu tư xây dựng cơ sở y tế cùng tên.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, TNH đạt 308 tỷ doanh thu thuần, tăng 32% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 113 tỷ đồng, tăng 39%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 110 tỷ đồng, tăng 37% cùng kỳ 2020.

Công ty cho biết lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ 9 tháng tăng 50% là do doanh thu thuần tăng 32% nhưng giá vốn chỉ tăng 16%. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên công ty đã đi vào hoạt động ổn định, tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân đến khám nên doanh thu tăng mạnh.

Năm 2021, TNH dự kiến doanh thu đạt 420 tỷ đồng, tăng 255 và lợi nhuận sau thuế 139 tỷ đồng, tăng 28%.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên là bệnh viện đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Doanh nghiệp này chỉ mới lên sàn hồi đầu năm, thị giá cổ phiếu đến nay tăng khoảng gấp đôi. Bệnh viện tư nhân này có mặt từ năm 2014, được xem là hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh trung du và miền núi Đông Bắc. Công ty hiện quản lý hai cơ sở gồm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên.