Sức khỏe

Bệnh nhân nhiễm virus Zika tại Đà Nẵng đã khỏi bệnh, chuyên gia đưa ra khuyến cáo

Bệnh nhân nhiễm virus Zika ở Đà Nẵng đã khỏi bệnh sau khi gần 1 tuần điều trị ngoại trú.

Zing đưa tin, ngày 26/5, bác sĩ Nguyên Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân 25 tuổi (tạm trú tại quận Liên Chiểu) nhiễm virus gây bệnh đầu nhỏ (tên khoa học là virus Zika) đã khỏi bệnh.

Hôm 28/4, bệnh nhân này đến khám tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu với các biểu hiện sốt 38,5 độ C, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm, kê đơn thuốc và hẹn tái khám. Ngày 19/5, Viện Pasteur Nha Trang thông báo bệnh nhân dương tính với virus Zika.

Virus Zika truyền sang người thông qua vết đốt từ muỗi nhiễm bệnh họ Aedes.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đã tổ chức giám sát cộng đồng tại phường Hòa Khánh Bắc, giám sát tại khu vực ổ dịch và nhà máy mà  bệnh nhân làm việc (có 600 công nhân).

Kết quả không ghi nhận trường hợp có triệu chứng tương tự trong khoảng thời gian từ lúc khởi phát ca bệnh đến nay. Đặc biệt, không có phụ nữ mang thai trong phạm vi bán kính 200 m kể từ nhà bệnh nhân và trong nhà máy nơi bệnh nhân làm việc. 

Ngày 26/5, CDC Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu phối hợp với UBND phường Hòa Khánh Bắc và các ban ngành, đoàn thể địa phương vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng bệnh do virus Zika tại khu vực bán kính 200 m tính từ nhà bệnh nhân và các khu vực lân cận.

Chiều cùng ngày đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực này cũng như tại nhà máy bệnh nhân làm việc. Dự kiến ngày 27/5 sẽ tiếp tục phun hóa chất lần 2.

Liên quan đến bệnh do virus Zika, theo VTC, PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Zika là bệnh truyền nhiễm mới nổi. Tại Việt Nam dịch ghi nhận từ năm 2016. Bệnh do virus Zika gây ra, lây truyền qua muỗi.

Bệnh lần đầu được phát hiện ở Uganda năm 1947 ở khỉ Rhesus thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Sau đó bệnh được xác định trên người năm 1952 tại Uganda và Cộng Hòa Tanzania.

Ổ dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và Thái Bình Dương. Thời gian ủ bệnh của bệnh do virus Zika không rõ ràng, nhưng có thể là một vài ngày.

Triệu chứng tương tự như nhiễm trùng do các virus arbo khác như sốt xuất huyết dengue, bao gồm sốt, nổi ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp và đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Các triệu chứng này thường nhẹ và kéo dài từ 2-7 ngày.  

Virus Zika truyền sang người thông qua vết đốt từ muỗi nhiễm bệnh họ Aedes, chủ yếu là Aedes Aegypti ở vùng nhiệt đới. Đây cũng là loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya và sốt vàng. 

Zika được xem có liên quan tới biến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Dịch do virus Zika tại Brazil vào đầu năm 2015 với sự gia tăng bất thường các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, cũng như sự gia tăng các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré.

Tương tự sự kiện này ở Brazil, dịch do virus Zika tại French Polynesia vào năm 2013-2014 cũng có sự gia tăng các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré, chứng đầu nhỏ, và những rối loạn về thần kinh trên quần đảo này.  

Để phòng bệnh do virus zika, cách tốt nhất là giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người. Các hoạt động có thể thực hiện bằng sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo (tốt nhất là sáng màu) che các phần của cơ thể càng nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó sử dụng các biện pháp vật lý như đóng cửa sổ, ngủ màn chống muỗi… bằng các hoạt động làm sạch các vật dụng chứa nước như xô, chậu, lốp xe, bình hoa… do đó các điểm muỗi sinh sản có thể bị loại bỏ. 

Bệnh do virus Zika thường nhẹ và không cần thuốc đặc biệt điều trị. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, và điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt bằng các thuốc thông dụng. Khi triệu chứng nặng hơn, cần tới các cơ sở y tế để chăm sóc điều trị. Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh.

Quốc Tiệp (t/h)