Đời sống

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thứ 2 của Việt Nam hiện ra sao?

Tình hình sức khỏe của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thứ 2 của Việt Nam là thông tin được nhiều người quan tâm.

Theo VietNamNet, bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ 2 của Việt Nam đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Ngày 21/10, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM cho biết, nữ bệnh nhân 38 tuổi không sốt, không xuất hiện các mụn nước (nốt đậu) mới.

"Bệnh nhân sinh hoạt bình thường, tâm lý ổn định, các mụn nước rải rác trên cơ thể. Chúng tôi tiếp tục theo dõi triệu chứng, chăm sóc các tổn thương da, đảm bảo dinh dưỡng... cho người bệnh", bác sĩ Hùng thông tin.

Ca nhiễm đậu mùa khỉ thứ 2 tại Việt Nam có thời gian ở chung với ca bệnh thứ nhất tại Dubai. Người bệnh thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 18/10. Khởi phát sốt hôm 11/10, có nổi mụn nước, sốt, mệt mỏi, buồn nôn.

Biết bạn có dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ, ca bệnh số 1 đã báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) hỗ trợ. Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng y tế quốc tế đã khai thác dịch tễ, cách ly, chuyển nữ hành khách 38 tuổi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM làm xét nghiệm Realtime PCR. Kết quả ban đầu dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Theo VTV, tại họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch và Phục hồi kinh tế Tp.HCM chiều ngày 20/10, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành HCDC cho hay, sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Đội y tế khẩn nguy sân bay tiếp cận người bệnh ngay khi máy bay vừa hạ cánh và đưa vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.

"Do bệnh nhân được cách ly tại sân bay Tân Sơn Nhất nên không tiếp xúc với ai trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng là không có", ông Nguyễn Hồng Tâm nhận định.

Cũng theo Phó Giám đốc điều hành HCDC, từ trước khi có ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, ngành y tế thành phố đã có phương án phối hợp xử lý, điều trị nên đã ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với 2 ca bệnh nêu trên. Do đó, các phương án ứng phó của Tp. HCM không có gì thay đổi. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường truyền thông, khuyến cáo người dân nên chủ động báo cho ngành Y tế nếu thấy có triệu chứng nghi ngờ.

Trước đó, ngày 3/10, Bộ Y tế đã công bố ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam. Nữ bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7 đến 22/9 về Việt Nam).

Khi về nước, người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt. Ngày 23/9, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur Tp.HCM).

Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục cách ly, điều trị. Ngày 6/10, đoàn công tác Bộ Y tế đã giám sát công tác phòng dịch đậu mùa khỉ tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngày 14/10, bệnh nhân xuất viện theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Minh Hoa (t/h)