Đời sống

Bệnh nhân Covid-19 xin nhận tình nguyện viên làm con nuôi

Cảm kích và quý mến các tình nguyện viên, bà Luân- F0 đang điều trị ở bệnh viện Hồi sức Covid-19- nói rằng khi khỏi bệnh mong sẽ được nhận họ làm con nuôi.

Với mong muốn góp sức vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhiều người đã đăng ký trở thành tình nguyện viên tham gia phục vụ tại các bệnh viện. Lực lượng này đã tự nguyện xông pha vào tuyến đầu chống dịch cùng với đội ngũ y, bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Các tình nguyện viên trang bị đồ bảo hộ kỹ càng để tránh lây nhiễm. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Sư cô Nguyên Thành, phục vụ ở bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức, TP.HCM) được gần 1 tháng, tâm sự với Tuổi Trẻ: "Tôi sống ở chùa từ nhỏ, khi thấy cả nước phải oằn mình chống chọi với dịch bệnh tôi đau lắm, vậy nên tôi đã đăng ký vào đây làm tình nguyện để phụ giúp phần nào công việc cho đội ngũ y tế.

Các tình nguyện viên không ngại vất vả, mệt nhọc, họ chỉ hy vọng sớm đưa cuộc sống của bệnh nhân và chính họ trở lại bình thường.

Công việc của chúng tôi là lấy cơm, cháo cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân nào sức khỏe yếu thì bón cho họ ăn, ngoài ra còn giúp vệ sinh cá nhân cho họ, cùng với đó là làm luôn việc thu dọn rác. Ở đây chúng tôi trở thành những người thân "bất đắc dĩ" trò chuyện, tâm sự và chăm sóc họ".

Nhiều tình nguyện viên đều cho rằng có vào đây làm việc mới thấu hiểu được những hy sinh, vất vả của đội ngũ y bác sĩ."Thời gian này là một trải nghiệm quý giá với tôi. Nhìn các bác sĩ làm việc, cứu sống bệnh nhân, tôi có thêm động lực mỗi ngày", nữ tình nguyện viên Phan Thị Sang nói.

Sang (bên phải) và 2 thành viên trong nhóm tình nguyện được bà Luân hứa nhận làm con nuôi. (Ảnh: Zing)

Sang là một trong 160 tình nguyện viên tôn giáo cũng đang hỗ trợ cho các y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trong 3 tuần qua. Chia sẻ với Zing, cô cho biết nhiệm vụ của mình cùng các thành viên trong nhóm là đến từng phòng giúp đỡ bệnh nhân thay chăn ga, vệ sinh cá nhân và ăn uống. Trong quá trình hỗ trợ, Sang và các bạn thường xuyên kể những câu chuyện tích cực để giúp các bệnh nhân có tinh thần thoải mái, lạc quan hơn.

Cảm kích trước tấm lòng của các tình nguyện viên, bà Phạm Thị Luân (60 tuổi, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện) còn cho biết khi khỏi bệnh mong sẽ được nhận các bạn làm con nuôi: "Nhà cô có dãy trọ ở Bình Triệu, đầy đủ nội thất, mấy đứa có cần cô cho ở luôn, mùa này cô cũng đang giảm giá 50% cho người thuê nhà. Đợi hết bệnh cô nhận mấy đứa mày làm con nuôi cô. Thương lắm!".

Mặc dù đang phải sử dụng máy thở, nói tiếng được tiếng mất nhưng bà Luân lúc nào cũng lạc quan, truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Bà thường kể những câu chuyện gia đình và cuộc sống những ngày chưa có dịch bệnh. 

Nguyễn Hạnh, tình nguyện viên, vừa cho bệnh nhân uống nước vừa động viên: "Cô uống nước nha, ráng hồi phục để còn làm lễ nhận con nữa, bọn con mong lắm đó".

Còn nữ tình nguyện viên Phan Thị Sang thì không giấu được sự xúc động: "Khi nghe cô nói, tôi rất bất ngờ và xúc động vì được cô Luân yêu quý như vậy". Cô cũng cho biết khi tham gia hỗ trợ tại bệnh viện, bản thân mình và các thành viên đều không ngại vất vả, khó khăn. Cô chỉ mong bệnh nhân điều trị tốt và sớm được về nhà với gia đình.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Tuổi Trẻ)