Sức khỏe

Bệnh nhân chữa ung thư vú bằng thuốc lá: Chuyên gia y tế lên tiếng

Chuyên gia y tế cho hay: “Một số loại hồ, cao có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển, một số loại khác không kích thích nhưng cũng không làm bệnh lui đi. Sau 5-6 tháng, khối u phát triển to lên theo thời gian, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ chưa di căn thành di căn”.

Đắp lá… khối u ngày càng to, căn phồng và loét vỡ

Các bác sĩ khoa Nội 1, bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 51 tuổi ở Hà Giang nhập viện trong tình trạng vùng ngực xuất hiện nhiều vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ.

Một năm trước, bệnh nhân này tự sờ thấy u vú nhưng không đi khám. Nghe lời mách bảo của người quen, bà đã đi mua thuốc lá của “thầy lang” về đắp. Gần một năm đắp lá, khối u vú không nhỏ đi mà ngày càng to hơn, căng phồng và đã loét vỡ.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân N.T.C (52 tuổi, ở Phú Thọ) nhập viện với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ ở vú.

Một trường hợp mắc ung thư vú dùng thuốc lá dẫn đến sưng tấy, lở loét, chảy mủ...

Theo lời kể của bệnh nhân N.T.C, bà đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2. Dù bác sĩ đã khuyên ở giai đoạn này, nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà C đã nghe lời của bạn bè, nhờ người làng mua thuốc lá của “thầy lang” trên vùng núi với lời quảng cáo “chữa khỏi nhiều ung thư hiểm nghèo như phổi, vú, não”.

Khi đắp lá, mặc dù cảm thấy nóng rát, đau tức ngực nhưng bà N.T.C cho rằng thuốc đang “có tác dụng”. Đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ... con cái mới ép bà đi khám.

Bác sĩ Đỗ Huyền Nga - Phó khoa Nội 1 cho hay nữ bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật.

"Bệnh nhân đang điều trị hóa chất, tuy nhiên đó chỉ là điều trị triệu chứng, giúp kéo dài thời gian tối đa”, bác sĩ Nga cho biết.

Loại hồ, cao kích thích khối u phát triển, từ chưa di căn thành di căn

Tiến sĩ Lê Thanh Đức - Trưởng khoa Nội 5 (Bệnh viện K) cho hay tại bệnh viện, những trường hợp như hai bệnh nhân trên không hiếm. Nhiều bệnh nhân nữ đến thăm khám u vú trong tình trạng đã bị tổn thương nặng, khối u to như trái bưởi. Có người vú bị đỏ, căng, có người bị vỡ loét chảy mủ, nách to, sưng đỏ. Hầu như những bệnh nhân này khi chụp chiếu thường di căn sang phổi, gan, xương, giai đoạn 4, khiến cho quá trình điều trị khó khăn và không hiệu quả.

Tiến sĩ Lê Thanh Đức - Trưởng khoa Nội 5, bệnh viện K.

Điều đáng nói, không chỉ bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa cả tin vào phương pháp chữa ung thư vú bằng đắp lá, dán cao... mà ngay cả phụ nữ ở vùng thành thị, thậm chí ngay tại Thủ đô cũng có bệnh nhân nữ chữa bệnh theo cách này.

“Một số loại hồ, cao có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển, một số loại khác không kích thích nhưng cũng không làm bệnh lui đi, làm mất thời gian điều trị. Sau 5-6 tháng, khối u phát triển to lên theo thời gian, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ chưa di căn thành di căn”, bác sĩ Đức cảnh báo.

Đối với những trường hợp này, các bác sĩ vừa phải cắt bỏ da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét hạch cho sạch, không bị bỏ sót.

Để phát hiện sớm ung thư vú, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ, kể cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng, chị em có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường như có hạch ở nách, vú cần đến cơ sở y tế để khám sớm.

Những trường hợp trong gia đình có tiền sử cha mẹ bị ung thư như đại trực tràng, buồng trứng, phổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Phụ nữ ở tuổi ngoài 50 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng một lần.

Phong Linh (tổng hợp)