Sức khỏe

Bệnh lạ: Những cơn say bí ẩn do cơ thể tự nấu rượu!

Không uống rượu cũng say, thậm chí ngủ dậy cũng mất tỉnh táo là dấu hiệu của hội chứng tự say rượu – hội chứng kì lạ bậc nhất y khoa.

"Nâng ly lên mình là anh em, uống đi em, không say đâu" là những slogan kinh điển trên bàn nhậu. Sau những trận uống mất kiểm soát là những cơn say dài khiến cơ thể mệt mỏi.

Thế nhưng có những người cả đời không đụng đến một giọt rượu cũng phải trải qua cảm giác say thậm chí thê thảm hơn – y học gọi đó là hội chứng tự sinh rượu (ABS), các vi khuẩn trong ruột chuyển hóa carbohydrate thành rượu.

Cơ thể tự nấu rượu? Thật kì lạ!

Một số ít người mắc ABS thể hiện những triệu chứng say sau khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột như cơm gạo. Nhưng đa số những người mang vi khuẩn sinh rượu trong ruột không biết về trình trạng của mình.

Trong liên tục 6 năm, anh Frank Mullin 46 tuổi đến từ Mỹ đã trải qua những cơn say bí ẩn khi mà anh không bao giờ uống một giọt rượu nào.

Tình trạng say xuất hiện liên tục khi Frank uống nước giải khát, ăn thức ăn nhiều đường hoặc carbohydrate (đường, tinh bột, chất xơ có trong trái cây, ngũ cốc, rau quả, các sản phẩm từ sữa).

Frank từng bị cảnh sát bắt giữ vì trong máu của anh có nồng độ cồn quá cao, anh giải thích nhưng không ai hiểu và cảnh sát còn cho rằng anh nói dối.

Được biết, triệu chứng của Frank bắt đầu xuất hiện năm 2011 sau khi anh dùng thuốc kháng sinh để điều trị chấn thương ngón tay cái. Có thể thuốc kháng sinh đã làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột của Frank.

Mỗi khi căn bệnh tái phát, Frank có lối hành xử hung hăng. Tình trạng ngày càng tồi tệ, Frank cùng người thân đến một bệnh viện ở Ohio và làm xét nghiệm phân để tìm vi khuẩn lên men.

Và có vẻ như các dấu hiệu say xỉn của Frank do bệnh!

Từ đó, Frank được điều trị chống nấm và có chế độ ăn không carbohydrate thế nhưng nồng độ cồn trong máu Frank vẫn lên tới 0,4% - mức độ có thể gây tử vong.

Sau đó, Frank đã làm đơn xin điều trị ở trung tâm Y tế Đại học Richmond ở New York với liệu trình kháng sinh trong 2 tháng.

Quá trình trị liệu thành công, tuy nhiên, nếu Frank ăn bánh pizza và uống soda khiến hội chứng ABS quay lại ở mức độ nghiêm trọng.

Mới đây, viện Nhi khoa Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã phát hiện một điều mới có ý nghĩa quan trọng có khả năng giải thích hội chứng kỳ lạ này và hứa hẹn tìm ra phương pháp điều trị cho nhiều bệnh nhân.

Các nhà y học nhận thấy có 60% những người mắc ABS có những chủng vi khuẩn sinh rượu cao trong đường ruột. Ngược lại, tỷ lệ ở những người trưởng thành chỉ là 6%.

Đến đây, kết quả nghiên cứu thực sự cho thấy vi khuẩn sinh rượu trong ruột thực sự có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các thử nghiệm dài hạn hơn trên cả người lớn và trẻ em, những đối tượng không may mắc ABS từ khi còn nhỏ thì sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn để xem nguồn gốc của những con vi khuẩn sinh rượu.

Các nghiên cứu về ABS sẽ là bước ngoặt tìm hiểu sâu hơn về những kỳ lạ trong cơ thể con người. Đó là cộng đồng vi sinh vật đường ruột - một phần cơ thể của chúng ta đang ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm.

Minh Anh