Sức khỏe

Bệnh đái tháo đường đang ngày càng trẻ hóa

Bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30. Đó là con số thống kê vừa được nêu ra tại một chương trình vừa tổ chức ở Huế.

Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 toàn thế giới có 424,9 triệu người bị bệnh đái tháo đường (ở độ tuổi từ 20-27), có nghĩa là cứ 11 người, có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Tới năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu, tăng 48%. Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa... Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30.

Đó là một trong những số liệu thống kế được nêu ra tại “Chương trình đào tạo nâng cao trong điều trị ĐTĐ (iSTEP-D plus) do bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam tổ chức 2 ngày qua (11-12/10) với hơn 60 BS Nội tiết, BS đa khoa đến từ Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…

Chương trình tổ chức trong 2 ngày 11-12/10.

Số liệu tại chương trình này cũng cho hay, ở Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2012 của bệnh viện Nội tiết Trung ương thì tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5.42%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%. Do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc đái tháo đường ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và thường đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh đái tháo đường cũng rất lớn.

Chương trình được tổ chức lần này, thời gian lý thuyết tương đương với thực hành. Một số bài lý thuyết hấp dẫn được các chuyên gia đầu ngành truyền đạt: Các lưu đồ điều trị ĐTĐ típ 2: ADA và IDC; Hành trình phát triển của insulin: quá khứ- hiện tại- tương lai; Sử dụng insulin ở BN ĐTĐ típ 2; quản lý ĐTĐ thai kỳ; Quản lý tăng đường huyết nội viện và Theo dõi glucose máu liên tục (CGM).

Các bác sĩ còn được tham gia thảo luận, khám bệnh thực tế trên bệnh nhân về các chủ đề: BN ĐTĐ có biến chứng, cách chuyển insulin từ truyền tình mạch sang tiêm dưới da; ĐTĐ người cao tuổi; điều trị BN ĐTĐ ngoại trú và điều trị insulin tăng cường. Khóa đào tạo được đánh giá cao về công tác tổ chức, chất lượng các bài giảng lý thuyết và đặc biệt là hình thức thảo luận nhóm và chia sẻ các ca lâm sàng trong thực hành hàng ngày sẽ giúp các bác sĩ nắm bắt tốt hơn các kiến thức đã được truyền đạt.

Trong thời gian tới bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục phối hợp với Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam, công ty Sanophi tổ chức các chương trình đào tạo về đái tháo đường cho các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Bệnh viện Trung ương Huế là nơi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao cho nhân dân các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và nhiều vùng miền khác, đồng thời là cơ sở đào tạo cán bộ y tế cho mạng lưới y tế khu vực và cả nước. Bên cạnh phát triển chuyên môn, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu mang tầm khu vực và quốc tế; bệnh viện Trung ương Huế còn rất chú trọng đến công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến.

Lê Kông