Môi trường

Bên trong nhà máy điện có khả năng xử lý 70% rác của tại Hà Nội

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, khởi công từ 9/2019, dự kiến hoạt động từ năm 2022.

Dự án này có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, là một trong những dự án nhà máy đốt rác phát điện có quy mô và công suất lớn nhất ở nước ta, được kỳ vọng sẽ xử lý khoảng 70% tổng lượng rác phát sinh hàng ngày của Hà Nội.

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, tuy nhiên đến nay các hạng mục hầu hết vẫn còn dang dở vì dịch Covid-19 bùng phát, nhà máy thiếu công nhân và chuyên gia nước ngoài, việc nhập máy móc thiết bị cũng chậm trễ.

Trong khi đó, hầu hết các khu xử lý rác thải theo công nghệ chôn lấp của Hà Nội đều đã quá tải và nhiều lần xảy ra tình trạng ùn ứ rác trong đô thị, ô nhiễm môi trường.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý (Chủ đầu tư dự án) cho biết: “Phần xây dựng đã hoàn thành 95%, lắp đặt máy hoàn thành khoảng 85%”.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều chuyên gia không sang được Việt Nam. Không những thế, trong đợt Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công nhân đã tự ý nghỉ. Bình thường thì tại công trường có hơn 1.000 công nhân, trong thời gian ảnh hưởng của dịch chỉ có hơn 100 công nhân người Việt làm việc nên tiến độ bị chậm lại. Hiện tại, công trường có khoảng gần 400 công nhân”, bà Vân cho hay.

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ vận hành chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu đưa vào vận hành, căn chỉnh, hiệu chỉnh kỹ thuật lò đốt đầu tiên vào tháng 1/2022, công suất 800 tấn rác mỗi ngày. Giai đoạn 2 có 2 lò đốt với hệ thống kỹ thuật khác cũng sẽ được căn chỉnh và đốt rác vào cuối tháng 2/2022, nâng công suất xử lý rác lên 2.400 tấn/ngày. Đến cuối tháng 3, hệ thống còn lại được vận hành. Chúng tôi dự kiến trong quý I/2022, tất cả 5 lò đốt sẽ hoàn thiện, hoạt động với công suất xử lý 4.000 tấn rác mỗi ngày; đến quý II/2022 toàn hộ hệ thống sẽ vận hành ổn định".

Nhà máy có công nghệ được chủ đầu tư giới thiệu hiện đại và lớn nhất Việt Nam, công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt mỗi ngày.

Nhà máy này hiện là giải pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề rác thải của TP Hà Nội khi khối lượng tiếp nhận tại bãi rác Nam Sơn - nơi tiếp nhận 80% lượng rác của Hà Nội đã vượt công suất thiết kế nhiều năm nay.

Với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn mà tất cả rác thải đều đốt được. Nhiệt độ trong lò đốt luôn được đảm bảo ổn định theo tiêu chuẩn nên có ưu điểm rất lớn về bảo vệ môi trường, độ bền của lò đốt được ổn định lâu dài.

Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng. Phương pháp xử lý rác mới được hy vọng sẽ dần thay thế phương pháp chôn lấp vốn gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lãng phí rác - một nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng.

Đại diện Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý cho biết: "Dự án này được Nhà nước phê duyệt quy hoạch vào điện 7. Dự kiến nguồn điện năng làm ra sẽ sử dụng chính cho công ty; một phần còn lại sẽ phát vào mạng lưới điện quốc gia. Công ty Thiên Ý cũng đã ký hợp đồng với Công ty điện lực Việt Nam".

 

Cũng theo chia sẻ của đại diện đơn vị, khi đi vào vận hành, ngoài khả năng xử lý rác của Hà Nội, Nhà máy điện rác này còn là điểm tham quan, có khuôn viên vui chơi, người dân có thể đến tập thể dục. Nhà máy có một khu riêng là nơi để học tập và chia sẻ kinh nghiệm để bảo vệ môi trường.