Sự kiện

Bên trong dự án 7.000 tỷ đồng biến rác thành điện

Nhà máy Điện rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn được kỳ vọng sẽ giải cứu người dân khỏi những vấn đề nhức nhối về rác thải.

Đi cũng dở, ở không xong

 

Bãi rác Nam Sơn được đưa vào khai thác từ năm 1999 với hai giai đoạn cùng 18 hố chôn lấp rác thải. Hiện tại, các hố này cũng gần đầy và theo kế hoạch bãi rác Nam Sơn sẽ ngừng tiếp nhận rác từ năm 2021.

Thời gian qua, hàng trăm người dân ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội phải chịu cảnh khốn khổ vì mùi hôi thối, ô nhiễm,… bị ruồi kéo đến bủa vây khắp nhà. Nhiều ruồi đến mức họ bắt được hàng kg mỗi ngày. Không ít lần vì quá bức xúc, người dân nơi đây đã lập lán tạm, chặn xe chở rác.

Kể về nỗi khổ của người dân phải sinh sống gần nhà máy rác suốt bao năm qua, bà Nguyễn Thị Đông  (Đội 18, xã Nam Sơn) tâm sự: “Nói thì khó hình dung, cứ phải sống ở đây thì mới thấy ô nhiễm đến mức nào. Cuộc sống của chúng tôi quanh năm suốt tháng phải chịu mùi hôi thối từ sáng đến đêm. Nhiều nhà có cháu nhỏ buộc phải đi sang xã khác ở nhờ. Mỗi lần nhà ai có cưới xin, giỗ chạp mời người ở nơi khác đến ăn cũng ngại, vì ruồi muỗi bay đầy vào thức ăn, khiến khách khiếp sợ. Từ năm 1999 dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay họ mới giải quyết”.

“Tôi luôn mong mỏi, Nhà nước nhanh chóng giải quyết hợp lý về giá cả đền bù cho chúng tôi, để người dân ở đây được ra khỏi vùng ô nhiễm này. Nhưng hiện tại, giá mà Nhà nước trả tiền đền bù cho chúng tôi chỉ mua được một miếng đất ở khu tái định cư, mua xong sẽ không có tiền làm nhà”, bà Nguyễn Thị Đông chia sẻ thêm.

Chung cảnh “sống chung với lũ”, ông Phạm xuân Sơn (63 tuổi, đội 18, xã Nam Sơn) chia sẻ: “Nhà tôi hướng Đông Bắc, khi có gió thì mùi thối bay thẳng vào không thể tả được. Mùi hôi thối khiến không đêm nào chúng tôi ngủ trọn giấc. Chưa kể, ruồi muỗi nhiều đến độ quơ tay là có thể bắt được, nói chung rất khủng khiếp”. 

Nhìn về ngôi nhà bị bao trùm bởi không khí ô nhiễm, ông Sơn cho biết: “Ở thì hôi thối, mà với mức giá đền bù như thế thì có đi nơi khác cũng rất gian nan. Tiền mua đất sẽ không đủ, lấy đâu ra tiền làm nhà. Nói chung là đi cũng dở mà ở không xong, người dân chúng tôi cũng chán cảnh này lắm rồi. Đời chúng tôi không nói làm gì, thế nhưng còn con cháu chúng tôi, nếu không được giải quyết tận nơi thì chúng tôi rất bất an. Sớm mong Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền có giải pháp thỏa đáng giúp người dân chúng tôi vượt qua cơn khó khăn này”.

Đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy có quy mô xử lý chất thải rắn và công suất phát điện lớn nhất thế giới

Để xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, UBND TP.Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng chấp thuận đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động, trong đó có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư hơn 7000 tỷ đồng, được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương cuối năm 2017, do công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện/giờ.

Trao đổi với PV, ông Lý Ái Quân (đại diện công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý) cho biết: “Dự án của chúng tôi được Nhà nước phê duyệt quy hoạch vào điện 7, chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với công ty điện lực Việt Nam. Dự kiến sẽ sử dụng chính nguồn điện năng làm ra để phục vụ cho công ty, một phần còn lại  chúng tôi sẽ phát vào mạng lưới điện quốc gia.

Để theo đúng như kế hoạch chúng tôi đề ra, trong những tháng này, chúng tôi cần có 1.500 đến 1.700 công nhân làm tại công trường. Thế nhưng, hiện tại, chúng tôi chỉ có 600 đến 700, công nhân trực tiếp làm tại công trường. Chính vì vậy, cái khó khăn nhất của chúng tôi là nguồn nhân lực. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, Chính phủ Trung Quốc đã giới hạn người ra nước ngoài, mỗi tháng chúng tôi chỉ được 30 đến 40 người vào Việt Nam.

Công nghệ của chúng tôi không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn, tất cả rác thải chúng tôi đều đốt được. Hơn thế nữa, nhiệt độ trong lò đốt luôn được đảm bảo, chính vì thế có ưu điểm rất lớn về bảo vệ môi trường và độ bền của lò đốt được ổn định lâu dài”, ông Lý Ái Quân thông tin thêm.

Với mục tiêu xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, tiên tiến, xuất xứ từ Châu Âu, thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam.

Với công nghệ lò đốt ENERGIZE@ ghi lò cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng.

Ghi lò được thiết kế nguyên khối, có vùng sấy để sấy khô rác thải hoàn toàn trước khi chuyển sang vùng cháy. 

Ghi lò chia làm 03 vùng, áp dụng phương thức chuyển động qua lại, khiến cho rác thải được đảo trộn đều. Do ghi lò chuyển động qua lại theo phương ngang, nên rác được đẩy đi dễ dàng, chuyển động tương đối giữa ghi lò và lớp rác có tác dụng làm tơi rác, khiến rác cháy ổn định trong lò. Ngoài ra, trạng thái chuyển động ngang cũng làm giảm áp lực cho hệ thống thủy lực, tiện cho công tác bảo dưỡng.

Nhiệt độ gió cấp của lò đốt có thể điều chỉnh trong dải 50 độ C ~ 25 độ C, thích hợp để xử lý các loại rác thải sinh hoạt nhiệt trị khác nhau, nâng cao cường độ ngọn lửa, đảm bảo nhiệt độ cháy trong lò.

Hệ thống ACC (thiết bị điều khiển đốt tự động) áp dụng các hình thức điều khiển đốt khác nhau tùy theo nhiệt trị rác thải và tổ hợp phân loại rác thải, đảm bảo rác thải được đốt cháy hoàn toàn, để quá trình đốt rác đạt hiệu quả tối ưu, sản lượng hơi ổn định, thời gian giảm nhiệt tro xỉ đạt chuẩn.

 Sử dụng phần mềm CDF fluent để tiến hành mô phỏng quá trình đốt cháy, nhằm xác định hình dạng hợp lý của buồng đốt, thời gian giảm nhiệt tro xỉ đạt chuẩn.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành khoảng 65% các hạng mục chính. Hiện đơn vị đang thi công tường bao khu vực; sàn đổ rác nhà máy chính; bể rác số 1; bể rác số 2; sàn sau lò nhà máy chính; phòng tua bin hơi; nhà hành chính; tường bao phía Nam; trạm tăng áp; trạm xử lý nước thải; lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2; lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ sau thời điểm Tết nguyên đán đến nay, nhiều cán bộ và công nhân kỹ thuật nước ngoài chưa thể sang Việt Nam để tiếp tục triển khai công việc. Tháng 7, tháng 8 vừa qua theo kế hoạch là những tháng cao điểm, có tính quyết định đến tiến độ của dự án nhưng công trường luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, có lúc thiếu khoảng 1000 công nhân so với kế hoạch đề ra.

Bất chấp khó khăn về nhân lực và thời tiết đang trong mùa hè, có những ngày nắng nóng đỉnh điểm hay mưa giông lớn nhưng khối lượng công việc của công nhân vẫn được đảm bảo. Công nhân luôn có thái độ làm việc tích cực, nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình trên công trường.

Ngoài nhân lực thì các trang thiết bị phải nhập từ các nước hiện đang là đỉnh dịch Covid-19 như Bỉ, Đức, Phần Lan cũng là một trong những vấn đề không nhỏ. Về vấn đề này, chủ đầu tư dự án cho biết đã chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục như đốc thúc đối tác nước ngoài thực hiện đúng thỏa thuận trong đơn đặt hàng, đồng thời cử thêm người sang các nước đó để phối hợp cùng họ hoàn thiện các thủ tục chuyển hàng về Việt Nam nhanh nhất.

Là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, việc xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của thành phố Hà Nội. Do đó, việc đưa các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, đốt hoặc khí hóa như nhà máy điện rác Sóc Sơn vào hoạt động được xem là giải pháp tối ưu hiện nay đối với Thủ đô, hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên đất so với phương pháp chôn lấp trước đây.