Đời sống

Bé trai bị đứt rời đốt ngón tay do đá rơi

Bé trai 7 tuổi bị tai nạn đá rơi vào bàn tay trái, vết thương đứt rời đốt 3 ngón 2 bàn tay trái lộ xương.

Theo VietNamNet, bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai ngày 31/8. Các bác sĩ đã nhanh chóng đưa ra chỉ định mổ, tạo hình chóp ngón cho trẻ.

Vấn đề đặt ra là ngón 2 (ngón trỏ) là ngón quan trọng nhất bàn tay, tham gia vào các động tác tinh vi, phức tạp. Bệnh nhi còn nhỏ tuổi tương lai còn dài, cần giữ tối đa độ dài ngón, không làm mỏm cụt như bình thường.

Có nhiều giải pháp để tạo hình bảo tồn chóp ngón, trong điều kiện thực tế. Ê-kíp phẫu thuật Khoa Ngoại nhi – Liên chuyên khoa đã chọn giải pháp dùng vạt lân cận che phủ đầu ngón. Hiện sau phẫu thuật, bệnh nhi đang được tiếp tục theo dõi.

Theo VTV, sau 1 tháng nữa sẽ phẫu thuật lần 2, ngón sẽ được bảo tồn tối đa, tỉ lệ thành công cao, đem lại sự hoàn thiện tốt nhất có thể cho bé.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn khá thường gặp. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, cha mẹ cần chủ động quan sát, chăm sóc trẻ để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Khi có tai nạn đáng tiếc xảy ra, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Thời gian chịu đựng sự thiếu máu nuôi của mỗi loại mô là khác nhau, ngắn nhất là bắp thịt (chỉ trong 2 giờ ở nhiệt độ trên 20 độ C). Trong môi trường lạnh (dưới 10 độ C), thời gian chịu đựng sẽ tăng lên tới 4-6 giờ. Do đó, bảo quản chi đứt lìa ở môi trường lạnh là phương pháp đơn giản nhất để duy trì sự sống cho tổ chức mô.

Thời gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt đến lúc các bác sĩ khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời.

Cách xử trí ban đầu với bệnh nhân có chi thể bị đứt rời

Theo thông tin trên website Bệnh viện trung ương quân đội 108, đối với người cấp cứu:

Cần vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, đi găng tay y tế hoặc găng tay sạch, tránh tiếp xúc trực tiếp tay với phần chi thể đứt rời

Với bệnh nhân (phần trung tâm của chi thể bị đứt):

1. Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý; sau đó băng kín vết thương bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng.

2. Đối với tai nạn đứt lìa ngón tay, chỉ cần băng ép lên vết thương là đủ. Nếu đứt lìa bàn tay, bàn chân, cần làm thêm garô để tránh chảy máu. Cách làm: Dùng băng hay dây vải quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10 cm, đút một cây gỗ và xoắn vài vòng cho đến khi máu ngưng chảy, không siết quá chặt. Ghi nhận thời điểm làm garô và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa, cứ sau 90 phút, cần nới garô 5 phút.

3. Với phần chi đứt lìa (phần ngoại vi):

- Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất.

- Bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào.

- Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là để chi không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.

- Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, bạn nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.

Chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu trồng chi thể đứt lìa, tránh đi lòng vòng lãng phí thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể.

Minh Hoa (t/h)