Cộng đồng mạng

Bé trai bị bố bỏ rơi tại tòa kèm lời nhắn “tôi không đẻ, tôi không nuôi” giờ ra sao?

Ông Trần Văn Pháo cho biết, sáng nay người mẹ đã đến nhận và đón con sau khi bị bố bỏ rơi tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang kèm theo dòng nhắn nhủ “Tôi không đẻ, tôi không nuôi”.

Mới đây, dư luận xôn xao trước câu chuyện bé trai bị bố bỏ rơi tại tòa kèm tờ giấy nhắn: “Tôi không đẻ, tôi không nuôi” tại Bắc Giang. Theo thông tin, vào khoảng 8h cùng ngày, người bố dắt theo một bé trai đến Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, trụ sở tại xã Tân Tiến, TP. Bắc Giang, Bắc Giang bỏ lại rồi ra về.

Người bố này khi bỏ lại bé trai có để lại lời nhắn với nội dung: “Tòa giải quyết đơn phương cho cô Đào Thị Lợi, nay tôi mang đứa con nhờ tòa trả lại cho cô Lợi mẹ nó. Tôi không đẻ, tôi không nuôi”.

Được biết, ngay sau đó Tòa án nhân dân tỉnh đã làm giấy bàn giao cho UBND xã Tân Tiến nhờ chính quyền địa phương liên hệ với người thân cháu bé đến nhận cháu.

Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng cho biết thêm năm 2019, người đàn ông này ly hôn với vợ tại tòa, sau một năm, không hiểu vì lý do gì mà anh ta lại mang con đẻ của mình đến tòa, sau đó nhờ tòa trao trả lại cho mẹ cháu bé.

Bé 5 tuổi bị bố bỏ rơi kèm dòng nhắn gửi.

Sáng ngày 19/5, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Trần Văn Pháo (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến) cho hay: “Ngay sau khi nhận được tin báo từ Tòa án nhân dân tỉnh chúng tôi đã cử bên Công an, y tế, tư pháp và cán bộ lao động thương binh xã hội đến để tìm hiểu. Sau khi nhận giấy bàn giao từ Tòa án nhân dân tỉnh chúng tôi đã đưa cháu bé lên Trung tâm trẻ của tỉnh sau đó một bộ phận chuyên môn tìm cách liên hệ với gia đình cháu bé”.

Ông Pháo cho biết thêm, đến sáng ngày 19/5 mẹ cháu bé đã đến Trung tâm trẻ của tỉnh để làm thủ tục nhận con. Tuy nhiên, người phụ nữ này cũng không nói gì thêm, chỉ nói nhận con về nuôi.

Trước câu chuyện bé trai 5 tuổi bị bố bỏ lại tòa gây xót xa, luật sư Nghiêm Quang Vinh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Theo pháp luật nếu người bố làm gì tổn hại đến đứa bé thì có cái để xử lý. Còn hành vi người bố mang con đến trả cho tòa, đưa mảnh giấy để lại, sau đó tòa làm giấy bàn giao cho ủy ban để liên hệ với gia đình đến đón cháu, như vậy là đứa bé đã được bảo vệ. Nhưng về khía cạnh đạo đức chúng ta cần phê phán khi bỏ lại đứa bé một mình, nhỡ bé đi lạc đường thì sao? Nếu như không giải quyết được vấn đề nuôi con, tại sao người bố không đến tận nhà gặp người mẹ để nói chuyện cho hợp tình hợp lý. Hành động này cũng đáng bị lên án vì hành xử thiếu tình phụ tử.”.

Mai Thu