Đời sống

Gia đình phát hiện bé trai 12 tuổi khó thở, co giật sau khi hút thuốc lá điện tử

Nam sinh N.A. 12 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở và co giật.

Tác hại của thuốc lá điện tử

Những năm gầy đây đã có không ít trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.

Cụ thể trường hợp của em N.A. (nam, 12 tuổi) là học sinh THCS ở Hà Nội đã đến Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương với tình trạng khó thở và co giật.

Theo thông tin khai thác từ gia đình N.A. là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát trẻ. Gần đây, N.A. hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ N.A sử dụng thuốc lá điện tử. N.A. cho rằng chơi với các anh lớn tuổi, bản thân mình được trải nghiệm hơn, “làm người lớn” hơn. Sau đó, trẻ có tự mua trên mạng về để được tự do hút. Cùng với việc hút thuốc lá điện tử, N.A. cũng có biểu hiện học sa sút hơn, bướng bỉnh, có hành vi chống đối với bố mẹ.

Vào kỳ nghỉ hè vừa qua, N.A. lên chơi và ở với bà nội tại Hòa Bình và đã sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên mà bà không hay biết. Sau khi hút thuốc lá điện tử, trẻ xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở và xuất hiện cơn co giật. Gia đình phát hiện và đưa em đến bệnh viện thăm khám.

TS. Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên kết luận: “Cháu bị ngộ độc chất gây nghiện do sử dụng thuốc lá điện tử”. Sau khi điều trị ổn định, bác sĩ Ngô Anh Vinh cũng đã tư vấn cho gia đình về cách giám sát và quan tâm con đúng mức để phòng ngừa việc tái diễn sử dụng thuốc lá điện tử của trẻ.

Thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế, trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng. Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.

Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.

Những dấu hiệu sớm nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử, cha mẹ không nên bỏ qua:

Trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Trẻ có thẻ có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi.

Trẻ thay đổi hành vi: Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí, trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.

Tìm thấy những vật lạ trong nhà: Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB,… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà, thì có thể đưa đến Bệnh viện để kiểm tra.

Xuất hiện mùi lạ: Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh,… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.

Những hành vi hoặc trò chuyện đáng ngờ với bạn bè: Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật.

Làm sao để lứa tuổi vị thành niên tránh xa thuốc lá?

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Bố mẹ cần chú ý:

Dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt động trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.

Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội:

Giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện.

Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất ở học sinh: Nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường.

Trúc Chi (theo Kinh tế & Đô thị, VTV)